Vào năm 2008, khi Khung Chương trình Giáo dục Mầm non (Early Years Foundation Stage – EYFS) được ra mắt, toàn bộ các trường mầm non Steiner đều phải tuân thủ các quy định dành cho các cơ sở nuôi dạy trẻ từ sơ sinh đến 5 tuổi, cũng như quy chế dành cho các trường tư thục dành cho trẻ 5 và 6 tuổi. Vậy EYFS có những nguyên tắc nào, cùng IPER tìm hiểu chi tiết về khung chương trình giáo dục giai đoạn nền tảng EYFS thông qua bài viết dưới đây.
Các điểm miễn trừ trong khung EYFS
Các chương trình giáo dục tiên tiến dù hiện đại đến đâu thì cũng sẽ có những hạn chế mà mỗi người đều phải công nhận. Phương pháp Steiner cũng vậy. Một trong những điểm mà chương trình giáo dục mầm non theo cách tiếp cận Steiner không thể đáp ứng là việc dạy chữ (bao gồm việc dạy đọc và viết thuộc phần Giao tiếp, ngôn ngữ và kỹ năng đọc viết trong Các yêu cầu về học tập và phát triển), yêu cầu sử dụng ICT và các thiết bị điện tử. Nguyên nhân là vì các trường Steiner chỉ sử dụng các thiết bị công nghệ “ấm” – những thiết bị vẫn cần sử dụng sức người như các dụng cụ bằng gỗ, khung xe sợi, bếp lò, dụng cụ ép nước trái cây,…).
Các điểm miễn trừ được áp dụng cho toàn bộ thành viên của Hiệp hội các trường Steiner Waldorf (Steiner Waldorf Schools Fellowship), bao gồm các trường, học viện, trường mầm non tư thục, trung tâm trông trẻ và bảo mẫu. Các thanh tra giáo dục sẽ không đánh giá các mục đã được miễn trừ hoặc các điểm đã được sửa đổi. Các điểm miễn trừ được áp dụng cho toàn bộ chương trình học chữ, bao gồm hai mục tiêu biết đọc và biết viết do EYFS đề ra. Sau đây là các nguyên tắc được áp dụng trong khung EYFS.
Các nguyên tắc trong Khung EYFS
Tôn trọng sự khác biệt ở trẻ
“Mỗi đứa trẻ đều là một cá thể độc nhất vô nhị, không ngừng học hỏi và là một người kiên cường, tài giỏi, tự tin và biết được giá trị của bản thân” (EYFS – 2014). Trong mô hình Steiner, mọi yếu tố xung quanh, cả những thứ hữu hình và vô hình, đều có tác động đến trẻ. Kiến thức về sự phát triển của con người chính là nền tảng cho mọi hoạt động trong phương pháp giáo dục Steiner, giúp chúng ta đánh giá đứa trẻ một cách toàn diện, cả về tinh thần và tâm hồn. Cách tiếp cận Steiner cho rằng quá trình phát triển và học tập của trẻ sẽ thăng hoa trong một môi trường an yên, thư thái, thân thuộc và không có những xáo trộn bất ngờ. Môi trường này sẽ nâng đỡ các giác quan nhạy cảm của trẻ, từ đó giúp các bé thêm kiên cường.
Các hoạt động đa dạng và giàu tính nuôi dạy sẽ từng bước khơi gợi tài năng ở trẻ, cho phép trẻ phát triển cân bằng về thể chất, cảm xúc và nhận thức. Các giáo viên luôn cho trẻ đủ thời gian để phát triển năng lực theo tốc độ riêng của từng bé, trong một môi trường được thiết kế tối ưu và thân thiện với trẻ. Trẻ sẽ được tham gia chế tạo rất nhiều món đồ để làm quà tặng cho gia đình hoặc đồ trang trí trong nhà, từ đó rèn luyện được lòng biết ơn và thái độ trân trọng mọi thứ thông qua các hành động có chủ đích.
Thiết lập các mối quan hệ tích cực
Sự phát triển các kỹ năng xã hội và nhận thức về người khác là tiền đề cho quá trình học tập chính thức, trang bị cho trẻ những phẩm hạnh cần thiết trong bối cảnh lớp học. Bắt chước là một trong những phương pháp học tập tự nhiên và hiệu quả nhất ở lứa tuổi này. Các giáo viên là những người mà trẻ sẽ coi đó là hình mẫu để noi theo, vì vậy họ cần phải thực hiện công việc của mình một cách tận tâm và cẩn thận.
Hình thức ghép nhóm với độ tuổi đa dạng mô phỏng gia đình sẽ giúp xây dựng các mối quan hệ xã hội, khuyến khích trẻ chia sẻ, hợp tác, quan tâm và tôn trọng nhu cầu riêng của nhau. Hành vi của trẻ được định hình từ những điều xung quanh. Các giáo viên luôn làm những điều tốt cũng như khuyến khích lòng tốt ở trẻ, từ đó giúp các bé dần học được cách tin tưởng những người lớn xung quanh. Các câu chuyện cổ tích và chuyện về thế giới tự nhiên chạm tới cảm xúc bên trong, từ đó đánh thức những ý thức cao đẹp về đạo đức để giúp trẻ phân biệt được đúng sai. Các giáo viên luôn thể hiện sự khoan dung và nhẫn nại trước những hành vi chưa đúng mực của trẻ, đồng thời hiểu rằng hành vi đó không thể hiện con người trẻ.
Trường học Steiner được coi như ngôi nhà thứ hai của trẻ. Các giáo viên sẽ mang lại cho trẻ một môi trường gần gũi như ở nhà. Sự kết nối chặt chẽ được hình thành và duy trì với gia đình/những người chăm sóc khác của trẻ, tạo nên cây cầu nối giữa nhà trường và gia đình.
Xây dựng môi trường thuận lợi cho trẻ
Trẻ được khuyến khích bảo vệ thế giới tự nhiên, từ đó học cách trân trọng những món quà từ thiên nhiên và hiểu được tiến trình tự nhiên cùng tuần tự của các mùa. Trẻ tò mò và ngạc nhiên khi được tiếp xúc với vẻ đẹp của thiên nhiên, cây cối, côn trùng và động vật. Việc sử dụng các vật liệu tự nhiên trong các trò chơi và hoạt động thủ công giúp nuôi dưỡng sự kết nối với thiên nhiên, là nền tảng cho sự tôn trọng môi trường tự nhiên và những gì Mẹ Thiên Nhiên ban tặng. Các công việc nội trợ tạo cơ hội để trẻ có những trải nghiệm cơ bản về khoa học và bốn nguyên tố cơ bản. Trẻ học về nguồn gốc của các vật liệu khi làm đồ chơi từ lông cừu, vải len, vải nỉ, vải bông và các vật liệu thiên nhiên khác. Trẻ phải có những dụng cụ phù hợp để thực hiện các công việc nhà, do đó nhà trường sẽ cung cấp các món đồ như dao cắt, đồ nạo rau củ, cưa tay, khoan tay cùng các công cụ làm vườn thích hợp để giúp trẻ học cách sử dụng các công cụ này an toàn và đúng cách.
Các yêu cầu về học tập và phát triển ở trẻ
Trong Khung EYFS mới, các nội dung về học tập và phát triển được chia ra thành:
- Bảy lĩnh vực học tập và phát triển.
- Các mục tiêu học tập giai đoạn đầu đời.
- Các yêu cầu trong việc đánh giá trẻ.
Sự phát triển cá nhân về mặt cảm xúc và xã hội
Đây là những lĩnh vực thế mạnh của phương pháp giáo dục Steiner, bao gồm cả sự phát triển về mặt xã hội lẫn khuynh hướng và thái độ sống của trẻ. Khi bắt chước cũng như nhận được sự hỗ trợ của giáo viên và bạn bè, trẻ dần trở thành những những người học độc lập, biết xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với mọi người, từ đó tạo nên một tập thể hài hòa và gắn kết. Trẻ có mức độ nhận thức cao về đạo đức và nhạy cảm với nhu cầu cũng như cảm xúc của người khác. Thật tuyệt vời khi thấy các bé lớn biết giúp đỡ các bé nhỏ hơn mặc quần áo, chơi cùng các em và phát triển tinh thần quan tâm chăm sóc lẫn nhau.
Sự phát triển về mặt giao tiếp, ngôn ngữ và thể chất
Trẻ phát triển khả năng nghe, nói và sử dụng từ ngữ khi được tự do nói chuyện cũng như học cách lắng nghe người khác. Nhà trường thúc đẩy sự phát triển của các kỹ năng nghe và nói ở trẻ. Giáo viên tập trung vào các câu chuyện dân gian được truyền miệng và trẻ sẽ được nghe rất nhiều câu chuyện tuyệt vời nằm trong di sản văn học thiếu nhi. Một câu chuyện được kể đúng cách sẽ giúp trẻ biết trân trọng giọng nói thật, cũng như vẻ đẹp và nhịp điệu của ngôn ngữ. Nó cũng giúp trẻ mở rộng vốn từ vựng và phát triển trí nhớ.
Thông qua việc kể và nghe kể chuyện, trẻ sẽ góp phần cấu trúc lại câu chuyện, sử dụng các thông tin phức tạp để xây dựng những bối cảnh có ý nghĩa. Khi học xong mầm non, trẻ đã được trang bị một hành trang đầy những bài hát, câu chuyện và bài thơ, có thể bao gồm cả những bài thơ bằng tiếng Pháp, tiếng Đức hoặc các ngôn ngữ khác. Những giai đoạn tiền đọc viết như vậy là những bước chuẩn bị quan trọng cho việc dạy đọc và viết chính thức – một quá trình yêu cầu khả năng nghe nói rõ ràng, ghi nhớ tốt, cảm nhận trực quan về cấu trúc ngôn ngữ, sự thích thú với ngôn ngữ cũng như các kỹ năng sử dụng tay và phối hợp tay – mắt.
Ngoài ra, trẻ còn được tham gia vào các hoạt động như may vá và dệt vải, giúp phát triển giữa sự khéo léo của đôi tay và khả năng định hướng của đôi mắt. Các bé cũng thảo luận về các bức tranh của mình và tham gia vào hoạt động kể chuyện bằng cách “đọc” những bức tranh đó. Hoạt động này thúc đẩy sự phát triển của kỹ năng sử dụng lời nói và giải phóng câu chuyện khỏi những dòng chữ in trong sách, từ đó khuyến khích trẻ sử dụng ngôn từ của riêng mình.
Khả năng giải quyết, lý luận và tính toán
Toán học và việc sử dụng ngôn ngữ toán được đan xen trong nhịp điệu sinh hoạt hằng ngày của trẻ. Điều này có thể diễn ra tại bàn khi chuẩn bị đồ ăn (các miếng cà rốt vừa được thái thành những vòng tròn hoàn mỹ, vừa có thể cho vào nấu súp để ăn). Kiến thức về cộng trừ (nhiều hơn hay ít đi), cân, đo, số lượng, hình dáng được trẻ thu nạp từ thực tế như một phần của cuộc sống thường nhật thông qua việc nấu nướng. Các bữa ăn cũng là cơ hội để trẻ luyện tập các kỹ năng đạo đức, xã hội và toán học, bởi đây là lúc trẻ cùng nhau chuẩn bị bàn ăn và chia sẻ những món ăn đã được chuẩn bị trước đó cho mọi người.
Thông qua các trò chơi vận động, trẻ nhận biết và tái hiện được các yếu tố về vị trí: bên trong, bên ngoài, xen kẽ, phía trước, phía sau,… Trẻ được phân loại, sắp xếp và đếm các món đồ có nguồn gốc tự nhiên như hạt sồi, quả thông, hạt dẻ ngựa, vỏ sò khi chơi các trò chơi tự phát. Trẻ trực tiếp tham gia những trải nghiệm liên quan đến toán học và sử dụng ngôn ngữ toán học một cách tự nhiên, thường gắn với những bối cảnh có tính đạo đức và xã hội. Trải nghiệm học tập của trẻ không tách biệt với đời sống hằng ngày, mà chính mối liên hệ với cuộc sống đã mang lại ý nghĩa cho việc học tập.
Trẻ phát triển một mối quan hệ gắn kết tích cực với thế giới tự nhiên. Trẻ được học cách trân trọng những món quà từ thiên nhiên và hiểu được những tiến trình cũng như chu trình thay đổi của tự nhiên. Các công việc nội trợ giúp trẻ có cơ hội trải nghiệm những kiến thức khoa học căn bản và biết cách tận dụng bốn nguyên tố: lửa, nước, khí, đất.
Nhà trường cũng thường mời những người làm các nghề thủ công hoặc có một số kỹ năng đặc biệt tại địa phương tới giao lưu, đồng thời giáo viên cũng thường đưa trẻ đi dạo hoặc đến thăm một số địa điểm gần trường. Trẻ tìm hiểu và khám phá cách vận hành của thế giới xung quanh nhờ sự quan tâm tới thế giới tự nhiên, việc sử dụng các công cụ và thiết bị công nghệ “ấm” – những thiết bị vẫn cần sử dụng sức người.
Công nghệ
Học sinh tại các trường mầm non Steiner không được tiếp xúc với các món đồ chơi được lập trình sẵn hoặc các thiết bị điện tử như tivi hay máy tính, đồng thời phụ huynh cũng được khuyến cáo không cho trẻ sử dụng chúng khi ở nhà. Mà thay vào đó là sử dụng các công nghệ “ấm” như máy xay hạt bằng tay, dụng cụ ép nước táo thủ công, cân, dọi xe sợi và nhiều đồ nghề làm mộc khác. Việc sử dụng máy móc như một cánh tay nối dài của cơ thể giúp trẻ hình dung được rõ nét về chức năng của chúng. Những công cụ này cũng hỗ trợ kỹ năng tư duy và năng lực thể chất phù hợp với lứa tuổi, bởi trẻ chủ yếu tư duy qua các hoạt động thể chất. Các trường mầm non Steiner được miễn trừ ở mảng này.
Phát triển thể chất
Trẻ liên tục được trao cơ hội để xây dựng các kỹ năng vận động tinh và vận động thô thông qua các công việc nội trợ cùng các hoạt động sáng tạo, đồng thời được rèn luyện để làm quen và tận hưởng môi trường vật lý, cả ở trong nhà và ngoài trời.
Phát triển khả năng sáng tạo
Trẻ được tiếp cận hàng loạt nguyên liệu phục vụ cho các trò chơi sáng tạo, thủ công, khiêu vũ, múa rối và diễn kịch. Các hoạt động này giúp trẻ thể hiện và truyền đạt các ý tưởng của bản thân, đồng thời đáp ứng toàn bộ các yêu cầu của Khung EYFS.
Trên đây là các nội dung cần chú ý trong khung chương trình giáo dục giai đoạn nền tảng EYFS. Quý thầy cô và phụ huynh có thể tìm hiểu kỹ hơn về khung chương trình này cũng như các thực hành phương pháp giáo dục theo cách tiếp cận Steiner Waldorf trong cuốn sách: “Cẩm nang giáo dục mầm non theo cách tiếp cận Steiner Waldorf”.
Content by Tran Thi Giang