Đánh giá bài viết này

Giải quyết xung đột là giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp giữa các bên có ý kiến, quan điểm, hoặc lợi ích khác nhau. Khi trẻ cùng nhau vui chơi và khám phá thế giới xung quanh rất dễ xảy ra những xung đột, mâu thuẫn. Trong môi trường học tập chủ động High/Scope, xung đột được coi là một trải nghiệm quan trọng để trẻ học hỏi. Triết lý High/Scope sử dụng phương pháp giải quyết vấn đề dựa trên sự phát triển và nghiên cứu về trẻ. Đó là trẻ nhỏ luôn đặt bản thân ở trung tâm và chỉ nghĩ về mọi thứ từ quan điểm cá nhân. Trẻ đang tách dần khỏi người lớn, tìm kiếm sự độc lập và đạt được sự kiểm soát với thế giới của bản thân, và xung đột với các bạn đồng trang lứa là một phần của quá trình này. Sau đây là 6 bước để giải quyết xung đột trong môi trường giáo dục High/Scope được các nhà thực hành thiết lập và đang áp dụng tại các nhà trẻ High/Scope hiện nay.

giai quyet xung dot trong moi truong giao duc high scope

6 bước để giải quyết xung đột trong môi trường giáo dục High/Scope

Bước 1: Bình tĩnh tiếp cận và chấm dứt mọi hành động gây tổn thương

Điều cần làm đầu tiên khi nhận thấy có xung đột giữa các trẻ đó là người lớn tiến đến bên trẻ một cách bình tĩnh và ngăn trẻ làm tổn thương lẫn nhau. Sau đó ngồi xuống ngang tầm mắt của trẻ và nói chuyện bằng tông giọng thông thường. Tùy vào từng trạng thái của trẻ để bạn lựa chọn cách tiếp cận phù hợp.

Bước 2: Thừa nhận cảm xúc của trẻ

Việc thừa nhận cảm xúc của trẻ là vô cùng cần thiết. Nhiều người đánh giá rằng nếu không có bước này, cả quá trình có thể sẽ thất bại. Việc gọi tên cảm xúc và nói ra cho trẻ thấy, không chỉ giúp trẻ diễn tả cảm xúc của mình mà còn cho phép các bé thể hiện bản thân một cách trọn vẹn. Điều này sau đó sẽ cho phép trẻ chuyển sang quá trình đưa ra giải pháp.

Bước 3: Thu thập thông tin

Bước này cho phép những trẻ có liên quan kể lại chuyện đã xảy ra. Bằng cách hỏi, “Có chuyện gì thế?” hoặc “Có vấn đề gì vậy?”, người lớn cho trẻ không gian để kể lại câu chuyện của mình, đồng thời cũng lắng nghe câu chuyện của bé kia. Câu hỏi “Cái gì” rất cụ thể, yêu cầu sự thật và chi tiết. Nhiệm vụ của những nhà thực hành đó là hiểu và nhớ được căn bản về câu chuyện để làm cơ sở cho bước tiếp theo.

Bước 4: Trình bày lại vấn đề

Nhà thực hành sẽ nhắc lại những gì họ đã nghe được từ trẻ. Bước này giúp làm rõ vấn đề và loại bỏ mọi sự hiểu lầm trước khi tìm ra giải pháp. Nó cũng cho phép trẻ làm rõ bất cứ sự hiểu lầm nào từ phía người lớn.

Bước 5: Hỏi ý kiến trẻ và cùng nhau chọn ra một giải pháp

Ở bước này, nhà thực hành chỉ cần hỏi, “Chúng ta có thể làm gì để giải quyết vấn đề này?” Điều này hỗ trợ trẻ trình bày các giải pháp của riêng mình và cho phép trẻ kiểm soát vấn đề, coi mình là người giải quyết. Khi một giải pháp có vẻ đã được thống nhất, nhà thực hành sẽ hỏi, “Vậy giải pháp là… Như vậy có được không nào?” Điều này sẽ giúp chúng ta kiểm tra thêm lần nữa xem tất cả có hài lòng về giải pháp không. Bước này ban đầu có thể mất chút thời gian, khi các giải pháp được đề xuất và từ chối.

Trong những tình huống mà trẻ không thể đưa ra giải pháp, nhà thực hành có thể đề xuất giải pháp để tất cả cùng xem xét. Nếu điều này xảy ra, hãy nhớ đưa ra hai giải pháp. Điều này vẫn cho trẻ quyền kiểm soát, vì các bé được quyền lựa chọn hoặc từ chối giải pháp được đưa ra.

Bước 6: Sẵn sàng đưa ra những sự hỗ trợ tiếp theo

Đôi khi, các giải pháp cần được làm rõ khi trò chơi bắt đầu và nhà thực hành có thể khuyến khích trẻ nhận ra mình là người giải quyết vấn đề bằng cách nói, “Con đã giải quyết xong vấn đề rồi này.” Đôi khi việc tới gần để xem trò chơi bắt đầu sẽ rất hữu ích, cho phép bạn đưa ra bất cứ sự hỗ trợ nào nếu cần.

Có thể thấy rằng, với phương pháp giải quyết vấn đề này, các trẻ đều được bày tỏ thái độ và ý kiến của bản thân, không còn bị phụ thuộc vào sự sắp xếp của người lớn. Điều này giúp ích rất lớn cho trẻ trong việc tự chủ cũng như rèn luyện thái độ bình tĩnh đối mặt với vấn đề. 6 bước để giải quyết xung đột ở trên được ứng dụng trong môi trường giáo dục High/Scope và mang lại những hiệu quả đáng kinh ngạc. Bạn có thể tham khảo thêm thông tin và các phương pháp khác trong cuốn: “Cẩm nang giáo dục mầm non theo cách tiếp cận High/Scope” nhé.           

Content by Tran Thi Giang

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *