Đánh giá bài viết này

Mỗi trường mầm non thường có các các thiết kế khác nhau phù hợp với tiêu chuẩn cũng như định hướng giáo dục của ngôi trường đó. Trường Mầm non theo cách tiếp cận Steiner cũng vậy. Sau đây hãy cùng IPER tìm hiểu xem thiết kế của một trường Mầm non Steiner Waldorf sẽ có kết cấu và phong cách như nào nhé.

Sảnh ra vào

Sảnh dẫn vào các phòng ở trường mầm non Steiner tạo ra cảm giác ấm áp, chào đón và thân thiện với phụ huynh và học sinh. Những chiếc móc treo có chiều cao phù hợp với trẻ, một băng ghế dài bên dưới có kệ để dép, giày và ủng nhựa (trừ khi những đôi ủng được đặt ở một chỗ riêng biệt gần cửa ra vào cùng áo mưa) sẽ được dễ dàng tìm thấy ở các sảnh. Luôn có một bảng thông báo cho phụ huynh đặt trên sảnh, bao gồm thông tin về những hoạt động đang diễn ra tại trường trong tuần, một cuốn nhật ký cùng vài tấm ảnh. 

Các lễ hội hoặc sự kiện cũng thường diễn ra ngoài cửa phòng học. Thường thì ở đó còn có một thư viện nhỏ và quầy hàng của trường, bày bán các loại hoa tươi và các món đồ trang trí theo mùa cùng lịch phân công cho phụ huynh (nhà trường thường kỳ vọng các bậc cha mẹ tích cực tham gia vào các hoạt động của trường, bao gồm các công việc vệ sinh, giặt giũ và mang đồ cần giặt về nhà).

thiet ke truong mam non steiner 9

Lớp học

Các lớp học Steiner có không gian ấm áp, thân thiện và được trang trí một cách nghệ thuật, đóng vai trò bối cảnh cho những tình huống xuất hiện mỗi ngày. Nếu điều kiện cho phép, nhiều trường mầm non còn có cả khu vực bếp tích hợp trong lớp học. Trong bếp thường có bếp lò, ấm đun nước, máy nướng bánh mì, bồn rửa cùng các thiết bị để rửa và sơ chế thực phẩm. Bên cạnh đó còn có một chiếc bàn bếp cùng một khung cửa nhỏ nhằm ngăn trẻ tự do ra vào và ngăn cách khu vực bếp với không gian chính của phòng. Các bé có thể đứng lên một bệ đặt ở phía ngoài khu vực sơ chế và với tới chậu rửa. 

Các món đồ nội thất ở đây được thiết kế với kích thước nhỏ và thân thiện với trẻ em. Gần khu vực bếp là bàn ghế dành cho các hoạt động trong lớp. Tất cả đồ đạc đều được làm từ gỗ. Trong mỗi lớp học luôn có một góc để trẻ chơi trò gia đình, một góc yên tĩnh (đôi khi sẽ có thêm vài cuốn sách tranh được chọn lọc kỹ) và một không gian trống có trải thảm để vui chơi (không gian này cần đủ lớn cho các hoạt động trong giờ vòng tròn). 

Giờ vòng tròn (Ring-time circle) là thời gian để các bé ngồi với nhau thành vòng tròn, được giáo viên hướng dẫn và học những bài học bổ ích về nhiều chủ đề khác nhau hoặc chia sẻ các câu chuyện trong cuộc sống thông qua những động tác, bài hát hoặc chuyện kể. Những chiếc kệ và giỏ trong lớp có chứa các dụng cụ và vải vóc. Ngoài ra, trong lớp còn có những chiếc giá phơi quần áo để trẻ xây những ngôi nhà.

thiet ke truong mam non steiner 4

Căn phòng được sơn màu hồng nhạt (Rudolf Steiner gọi nó là “màu hồng hoa đào”) và đôi khi được trang trí bằng cành cây, đồ thủ công hoặc những vòng treo trang trí. Các góc phòng đôi khi cũng được “mềm hóa” bằng những tấm vải xô. Các cửa sổ có rèm che làm từ vải xô nhuộm hồng và hạn chế ánh sáng điện tử hết mức có thể. Đôi khi trên tường sẽ treo vài bức ảnh gia đình (bố, mẹ và trẻ) hoặc ảnh một nhóm trẻ. Về tổng thể, không gian này mang tới sự tĩnh tại, gọn gàng và yên bình.

Các tác phẩm của trẻ không được treo trên tường. Tuy nhiên, khi các bé đang bận rộn làm ra các sản phẩm thủ công theo mùa, những sản phẩm này sẽ được treo ở một số khu vực trong lớp học, ví dụ như những chú chim bằng giấy, bươm bướm bằng khăn giấy và gà con bằng vải nỉ. Chúng sẽ khiến lớp học có thêm phong vị của các mùa và sẽ được trẻ mang về nhà vào thời điểm thích hợp.

thiet ke truong mam non steiner 8

Bàn trưng bày theo mùa

Chiếc bàn này được đặt ở vị trí trung tâm, dễ thấy nhưng lại không gây cản trở đến các hoạt động trong phòng. Đây là nơi các vật phẩm được trưng bày và hòa quyện với các yếu tố thể hiện không khí theo mùa. Bàn được bổ sung và thay đổi quanh năm để phản ánh sự thay đổi của các mùa và lễ hội.

thiet ke truong mam non steiner 2

Màu sắc của bàn trưng bày được quyết định bởi màu của thiên nhiên hoặc lễ hội vào thời điểm đó. Các tấm vải xô hoặc khăn lụa nhuộm màu được trải trên bàn để làm nền và khăn trải bàn. Những màu sắc chủ đạo trong mùa hè có thể là màu của bầu trời đầy nắng vàng và một chiếc khăn màu xanh lá đại diện cho mặt đất. Màu sắc của mùa đông là màu trời xanh nhạt và màu trắng của tuyết. Đến dịp Giáng sinh sẽ là màu trời xanh thẳm với những ngôi sao cùng khăn trải bàn màu xanh lá và nâu.

Bốn nguyên tố cơ bản cũng luôn hiện diện trên bàn trưng bày: đất (các viên đá và tinh thể pha lê), nước (một chiếc bát hoặc một dải lụa xanh dương), lửa (một ngọn nến để thắp vào các dịp đặc biệt) và không khí (một vòng treo trang trí được thay đổi theo mùa) cùng với con người hoặc động vật (các bức tượng hình người, chú lùn, nàng tiên, vịt và các loài động vật khác).

Bàn trưng bày do giáo viên đặc biệt thiết kế và không được trẻ sử dụng trong các hoạt động vui chơi. Tuy nhiên, trẻ được khuyến khích tìm kiếm những “món quà” đặc biệt theo mùa để mang tới trưng bày, ví dụ như vỏ sò, pha lê, quả thông, hạt dẻ ngựa, táo, dâu và hoa tươi theo mùa.

Không gian ngoài trời

Các trường học Steiner thường mong muốn thiết kế không gian ngoài trời sao cho tự nhiên nhất có thể. Nó bao gồm một hố cát, chỗ chơi xúc đất, cây để leo trèo, hố đốt lửa, khu ủ phân hữu cơ, vườn cây ăn trái và rau củ hữu cơ. Hoa được trồng quanh năm để trang trí bàn trưng bày theo mùa và bàn ăn. Nếu không gian cho phép, một số trường còn có cả các khu cho trẻ leo trèo cùng xích đu. Các trường thường có một túp lều để trẻ trú mưa hoặc chơi đồ hàng. Nếu may mắn, trẻ còn có cơ hội được cùng các giáo viên hoặc phụ huynh trồng hai hàng liễu để uốn thành một chiếc lều hoặc mái vòm. Một số trường còn có cả lò nướng bánh mì để trẻ nướng bánh và ăn ngoài trời. Các phụ huynh thường xuyên cùng thầy cô và các con tham gia các hoạt động làm vườn để xây dựng một tinh thần cộng đồng tốt đẹp.

thiet ke truong mam non steiner 1

thiet ke truong mam non steiner 7

Hiện nay, một số trường Steiner đã bắt đầu chuyển sang phong cách “trường mầm non trong rừng” bằng cách sắp xếp ít nhất hai ngày mỗi tuần để trẻ dành toàn bộ thời gian giữa các khu rừng hoặc cánh đồng. Mọi hoạt động đều diễn ra giữa thiên nhiên: trẻ được làm thủ công từ những vật liệu tự nhiên mà trẻ kiếm được và nếu trời mưa, một căn lều có thể được dựng lên. Giờ vòng tròn, giờ kể chuyện và bữa trưa đều diễn ra ngoài trời, đồng thời đảm bảo tuân theo nhịp điệu sinh hoạt thường nhật của trường mầm non. So với việc vui chơi ngoài trời đơn thuần, điểm khác biệt của phong cách “trường mầm non trong rừng” nằm ở việc các hoạt động không diễn ra với mục đích phát triển việc học, mà để mở rộng trải nghiệm, giúp trẻ hòa mình với thiên nhiên, nâng cao các giác quan, tạo cơ hội cho trẻ trải nghiệm sự kỳ vĩ cũng như các nhân tố cấu thành nên thế giới tự nhiên, các mùa và thời tiết. Trẻ sẽ có những trải nghiệm đáng nhớ khi cùng nhau quây quần bên đống lửa để nấu súp cho bữa trưa sau một quãng đường đi bộ dài trong băng tuyết, hay cùng làm dây chuyền bằng hoa mao lương hoặc hoa cúc khi nằm trên bãi cỏ vào những ngày hè ấm áp.

thiet ke truong mam non steiner 5

Phong trào cho trẻ đi bộ đường dài vào mỗi buổi sáng bắt đầu phát triển sau chuyến thăm Vương quốc Anh gần đây của nhà giáo dục Helle Heckmann. Bà khuyến khích phương pháp “giáo dục chậm”, nghĩa là giảm thiểu nhịp điệu sinh hoạt thường nhật cho trẻ nhằm tạo đối trọng với sự vội vàng và căng thẳng của đời sống hiện đại. Bà gợi ý rằng việc đi bộ nhịp nhàng hiện là điều hết sức cần thiết để trẻ xây dựng sức bền và cân đối các hoạt động của cơ thể. Hai mươi phút đi bộ tới công viên hoặc xung quanh khu phố sẽ giúp trẻ kết nối với những gì đang diễn ra xung quanh, ví dụ như quan sát bác đưa thư và những con chó trong vườn, băng qua đường để tới cửa hàng hoặc tám chuyện với hàng xóm. Việc ca hát hoặc trò chuyện trong lúc đi bộ sẽ giúp xây dựng các kỹ năng ngôn ngữ, còn việc dừng chân để lắng nghe tiếng chim hót hay nhường đường cho một chiếc xe sẽ giúp các giác quan trở nên nhạy bén hơn. Sau một quãng đường đi bộ, các bé thường muốn uống nước hoặc ăn nhẹ khi quay lại trường và có thể cùng nhau chia sẻ những trải nghiệm về chuyến đi bộ buổi sáng. 

Nhìn chung, khi bước chân vào các Trường Mầm non Steiner, chúng ta sẽ nhìn thấy một không gian gần gũi, tự nhiên, thoáng mát và bình yên. Để hiểu thêm về các khía cạnh khác của phương pháp giáo dục theo cách tiếp cận Steiner, quý độc giả có thể tìm đọc cuốn sách: “Cẩm nang giáo dục mầm non theo cách tiếp cận Steiner Waldorf”.

Content by Tran Thi Giang

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *