Thế giới xung quanh chúng ta không hề tĩnh tại, nó biến đổi từng giây từng phút. Trường học cùng đội ngũ giáo viên – những người miệt mài trong công tác giáo dục – không đứng ngoài xu thế tự thay đổi, tự cải biến mỗi ngày đó.
Một ngôi trường hiện đại dành cho thế kỉ 21 sẽ là nơi thu hút học sinh bằng các thử thách trí tuệ, nơi tiếng nói của giáo viên cũng như học sinh được tôn trọng, nơi thúc đẩy sự thấu hiểu và hợp tác giữa các bên cùng kiến tạo nhà trường, nơi gắn kết giáo viên, phụ huynh, học sinh, lãnh đạo nhà trường và cộng đồng nhờ dân chủ trường học.
Và để bắt kịp xu thế đó, các thầy cô ngoài trau dồi chuyên môn mỗi ngày thì cần tìm kiếm những cuốn sách về giáo dục. Và sau đây là 3 cuốn sách về giáo dục hay nhất – được các nhà giáo dục khuyên đọc.

1. Làm thế nào để thay đổi trường học?

Đối diện với con khủng hoảng của giáo dục phổ thông thập niên 1980 – 1990, các nhà trường tại Mĩ đều nỗ lực tham gia vào quá trình thay đổi, thể nghiệm những phương thức đa djang, tìm kiếm hướng đi mới trong kỉ nguyên  biến đổi mạnh mẽ của công nghệ, xã hội tiêu dùng và yêu cầu kĩ năng nghề nghiệp khắt khe của nền kinh tế tri thức. Trong vai trò vừa là nhà nghiên cứu giáo dục, vừa đảm trách công việc cố vấn – đào tạo, Tony Wagner đã tìm kiếm câu trả lời cho bài toán cải cách các nhà trường thông qua việc nhấn mạnh:
(1) Cải thiện điều kiện dạy và học;
(2) Phát triển năng lực giáo viên;
(3) Kiên định trọng tâm trong đổi mới và lãnh đạo.
Bên cạnh đó, nhà trường không nên xa rời “nguyên tắc 3C” kinh điển làm nên một ngôi trường chất lượng: Các năng lực học thuật (competencies), giá trị cốt lõi (core values), khả năng hợp tác (collaboration). Nhưng để đảm bảo các nguyên tắc kể trên được tạo lập, duy trì thì dân chủ trường học, trao quyền quyết định nhiều hơn cho giáo viên, đề cao vai trò của thảo luận, hướng tới dồng thuận trong quản lý trường học phải trở thành những yếu tố tiên quyết, không thể bỏ qua trong quá trình đổi mới.
Nếu là một người quan tâm đến giáo dục, đặc biệt là giáo dục Việt Nam, hẳn bạn sẽ nhận ra rằng câu chuyện nhà trường của nước Mỹ ba thập niên trước cũng là câu chuyện mà ngày hôm nay Việt Nam phải đối diện trên con đường thay đổi hiện trạng nền giáo dục. Hy vọng rằng với những bài học từ quá khứ này sẽ là định hướng để chúng ta tư duy về những vấn đề ở thực tại.

2. Bài học giáo dục từ nước Mĩ

Đây là câu chuyện đầy lôi cuốn và ý nghĩa về cách thức các trường trung học của nước Mĩ vượt qua thách thức đến từ những biến đổi nhanh chóng của thế giới và của nội tại quốc gia. Chương trình học nặng nề, quá nhiều bài thi chuẩn hóa, mối quan hệ giáo viên-học sinh rạn nứt, hành xử thiếu tôn trọng, áp lực đối với giáo viên, sự lệ thuộc vào công nghệ, thiếu vắng dân chủ trường học và trách nhiệm giải trình… đã đẩy hệ thống giáo dục phổ thông rơi vào cuộc khủng hoảng toàn diện. Đòi hỏi “tái tạo” hệ thống đó được đặt ra cấp thiết.
Thông qua khảo sát, nghiên cứu tại một số trường trung học tiêu biểu, cả công lập lẫn tư thục, Tony Wagner đã nêu lên cuộc vật lộn giữa những giáo điều lỗi thời, định kiến và sự phân biệt với tinh thần tự do, khao khát sự thay đổi, kiến tạo nền văn hóa sản sinh tri thức; đồng thời chỉ ra một lộ trình sơ khởi cho nỗ lực tạo dựng một Trường làng Hiện đại, nơi cam kết lâu dài với nền giáo dục nhân văn, khai phóng…
Điều đó khơi lên nhiều suy ngẫm đối với những thành viên của cộng đồng học tập ở mọi quốc gia: Ai cũng có trách nhiệm đối với quá trình cải thiện nền giáo dục. Vậy thì, chúng ta nên tư duy ra sao và làm điều gì đúng đắn?

3. T.E.T – Đào tạo giáo viên hiệu quả

Trong hơn 40 năm qua, T.E.T – Đào tạo giáo viên hiệu quả đã giúp hàng ngàn giáo viên trên khắp thế giới học được những kĩ năng và phương pháp cần thiết để xử lý các vấn đề không thể tránh khỏi trong lớp học một cách hiệu quả và nhân văn. Đây là cuốn sách mà bất kì ai là giáo viên đều nên đọc.
Cuốn sách nhấn mạnh vai trò của mối quan hệ giữa người dạy và người học – trên thực tế là yếu tố quan trọng nhất trong quá trình giảng dạy. Thông qua việc thiết lập mối quan hệ hiệu quả, Tiến sĩ Thomas Gordon đã giúp các giáo viên biết được:
  • Cần làm gì khi học sinh gây rắc rối?
  • Nói sao để học sinh lắng nghe?
  • Giải quyết mâu thuẫn như thế nào để không ai thua cuộc và không ai bị tổn thương?
  • Làm thế nào để thiết lập các nội quy lớp học mà học sinh có thể thoải và tự giác thực hiện?
  • Làm thế nào để tăng cường thời gian dạy và học hiệu quả?

Với những phương pháp được đưa ra trong cuốn sách này, giáo viên không cần dùng đến quyền lực để chi phối, kiểm soát học sinh, thay vào đó là chia sẻ và thấu hiểu. Từ đó tác giả Gordon cũng khuyến khích góc nhìn khoan dung hơn đối với giáo viên: giáo viên cũng là con người, và cũng có những cảm xúc, nhu cầu và khiếm khuyết.
Cuốn sách T.E.T Đào tạo giáo viên hiệu quả của Tiến sĩ Thomas Goron và cộng sự Noel Burch sẽ mang đến cho người đọc những góc nhìn và công cụ thiết thực trong việc xây dựng một môi trường giáo dục nhân văn, tin cậy và hợp tác. Cuốn sách này sẽ giúp các giáo viên hiện thực hóa được chân lý “Giảng dạy chính là thực hành yêu thương”
Trên đây, IPER đã giới thiệu đến các bạn những cuốn sách hay nhất dành cho những người làm giáo dục.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *