Ý nghĩa thực sự của trường học là tạo ra những con người có khả năng đạt được thành công và hạnh phúc trong cuộc sống thực, không phải là điểm số hay thứ hạng cao trong các kỳ thi.
GIỚI THIỆU CUỐN SÁCH
Bài học giáo dục từ nước Mĩ trước hết là bức tranh tương đối toàn diện về hệ thống giáo dục phổ thông của nước Mĩ trước ngưỡng cửa chuyển giao thiên niên kỉ. Quá nhiều vấn đề cấp thiết đặt ra đòi hỏi các lãnh đạo trường học, cộng đồng, giới chính trị, doanh nghiệp và thậm chí cả những cá nhân tham gia trực tiếp vào quá trình giáo dục phải chú ý, phải tham gia vào, phải nỗ lực để cải thiện nhà trường. Mệnh đề trung tâm mà Tony muốn thảo luận là một trường học được xem là tốt sẽ trông ra sao và vận hành như thế nào. Câu hỏi đó cũng đồng nhất với bài toán nan giải hiện nay của nhiều nền giáo dục trên thế giới, ngay cả những nơi vốn được ca ngợi là sở hữu hệ thống giáo dục tiên tiến, hiện đại.
Các bài thi chuẩn hóa định kỳ, quá nhiều bài tập về nhà, thiếu môi trường thúc đẩy kĩ năng giải quyết vấn đề và tư duy phê phán, quan hệ giáo viên – học sinh chuyển sang trạng thái tiêu cực, mục tiêu giáo dục của cộng đồng không đạt được, các lãnh đạo chính trị và doanh nghiệp không gắn kết trong cố gắng thay đổi hiện trạng tồi tệ của nhiều trường học… Nhiều vấn đề nghiêm trọng xảy ra với giáo dục trong thời kì chuyển đổi từ nền kinh tế công nghiệp sang nền kinh tế tri thức, dịch vụ tiêu dùng và toàn cầu hóa cao độ.
Cuốn sách là câu chuyện đầy lôi cuốn và ý nghĩa về cách thức các trường trung học của nước Mĩ vượt qua thách thức đến từ những biến đổi nhanh chóng của thế giới và của nội tại quốc gia. Thông qua khảo sát, nghiên cứu tại một số trường trung học tiêu biểu, cả công lập lẫn tư thục, Tony Wagner đã nêu lên cuộc vật lộn giữa những giáo điều lỗi thời, định kiến và sự phân biệt với tinh thần tự do, khao khát sự thay đổi, kiến tạo nền văn hóa sản sinh tri thức; đồng thời chỉ ra một lộ trình sơ khởi cho nỗ lực tạo dựng một Trường làng Hiện đại, nơi cam kết lâu dài với nền giáo dục nhân văn, khai phóng…
Điều đó khơi lên những suy ngẫm đối với những thành viên của một cộng đồng học tập ở mọi quốc gia: Ai cũng có trách nhiệm trong quá trình cải thiện trường học. Chúng ta sẽ phối hợp với nhau như thế nào để giải quyết vấn đề?
MỤC LỤC
- Mở đầu: Thực sự trường học của chúng ta không ổn ở điểm nào?
- Chương 1: Thế giới tương lai của con cái chúng ta đã thay đổi như thế nào?
- Chương 2: Học sinh thời đại này cần biết những gì?
- Chương 3: Chúng ta làm thế nào để giúp trường học và học sinh có trách nhiệm giải trình?
- Chương 4: "Trường tốt" trông như thế nào?
- Chương 5: Các lãnh đạo phải làm gì?
TÁC GIẢ
Tony Wagner
Tony Wagner hiện là Nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Chính sách giáo dục và làm việc như một chuyên gia của Phòng thí nghiệm đổi mới sáng tạo - Đại học Harvard. Ông lấy bằng Thạc sĩ và Tiến sĩ giáo dục học tại Đại học Harvard. Tony từng có thời gian 12 năm giảng dạy như một giáo viên trung học, là giáo sư đại học chuyên ngành sư phạm và là giám đốc sáng lập tổ chức Các nhà giáo dục vì Trách nhiệm xã hội.
Trên phương diện học thuật, ông thường xuyên tham gia các hội thảo khoa học quốc gia và quốc tế, với nhiều bài viết chuyên sâu về giáo dục, cải cách trường học và là tác giả của sáu tựa sách, trong đó cuốn “The Global Achievement Gap” tiếp tục nắm giữ vị trí sách bestseller với hơn 140.000 bản in.