Lưu ý: Những thông tin, luận điểm trong bài viết này đều do tác giả Tony Wagner trải nghiệm, nghiên cứu.
Mùa xuân năm 2001, tôi có cơ hội đi cùng một nhóm nhỏ các nhà giáo dục trong chuyến tham quan học tập hệ thống giáo dục Đan Mạch, do Marc Tucker và Judy Codding ở Trung tâm Quốc gia về Giáo dục và Kinh tế (National Center on Education and the Economy) tài trợ. Nội dung nằm trong phần giới thiệu ngắn gọn dưới đây. Tôi không thể điểm lại tất cả những gì mình học được từ chuyến đi, nhưng tôi sẽ mô tả một vài điểm nhấn mà theo tôi là đáng học hỏi (Độc giả muốn tìm hiểu sâu hơn về hệ thống giáo dục Đan Mạch có thể đăng ký nhận báo cáo của Marc Tucker cùng đồng nghiệp tại địa chỉ: www.ncee.org).
Đan Mạch đã tiến hành cải cách giáo dục như thế nào?
Khác với Mĩ, cải cách giáo dục ở Đan Mạch một thập kỷ trước không bắt đầu bằng việc ban bố những điều luật mới yêu cầu thi cử nhiều hơn. Thay vào đó, Bộ Giáo dục nước này đã xúc tiến một cuộc thảo luận quy mô toàn quốc về giá trị và bản chất của việc trở thành một công-dân-được-giáo-dục, trong bối cảnh Đan Mạch sắp bước vào thế kỷ XXI. Nhờ đó, ngày nay kể cả những giáo viên tiểu học cũng biết học sinh cần thuần thục những kỹ năng nào trong một nền kinh tế tri thức và cần kỹ năng nào để trở thành công dân biết đóng góp vào một nền dân chủ thịnh vượng – hai mục tiêu mà người Đan Mạch xác định là có tầm quan trọng ngang nhau trong quá trình kiến tạo các tiêu chuẩn giáo dục chặt chẽ hơn rất nhiều đối với tất cả học sinh.
Tiếp theo, Bộ Giáo dục Đan Mạch xây dựng hành lang chính sách và cơ chế đãi ngộ đa dạng nhằm khuyến khích việc đa dạng hóa các mô hình trường trung học và đại học. Tất cả những chính sách được thông qua, dù dựa vào sự hậu thuẫn về mặt học thuật truyền thống hay môi trường thiên về đào tạo kỹ thuật hoặc kinh doanh, đều nghiêm cẩn và vẫn cho phép học sinh phát triển các năng lực tới mức thuần thục (kĩ xảo) theo nhiều cách khác nhau. Điều quan trọng ở đây là, những kiểu loại trường học phong phú này đều có chung mục đích – một “bước đệm cho bậc đại học”. Song song với đó, họ xây dựng một nhóm các trường chọn lọc tương tự mô hình “cao đẳng cộng đồng” (community college) ở Mĩ, với mức độ phức tạp cũng không kém cạnh gì. Kết quả là, tất cả học sinh Đan Mạch tốt nghiệp trung học trong trạng thái “sẵn sàng học đại học” và phần lớn trong số họ sẽ tiếp tục theo học một chương trình giáo dục hậu trung học nào đó(*). Ở Đan Mạch, có nhiều cách để trở thành người được giáo dục tốt, có những tấm lưới an toàn được đan dệt một cách cẩn thận, nâng đỡ cho ngay cả những học sinh gặp nhiều khó khăn về giáo dục cũng như thiếu động lực nhất. Bất chấp thực tế rằng đối tượng đào tạo của hệ thống giáo dục Đan Mạch đang ngày càng đa dạng, gần như không có trường hợp bỏ học nào tại nước này.
Trong khi đó, Đan Mạch có một truyền thống đang tiếp tục được duy trì như là quy chuẩn trong giáo dục: các trường học nhỏ và giáo viên có thể dành tới tám năm cho cùng một nhóm học sinh. Bấy lâu nay, người Đan Mạch đã thấu hiểu tầm quan trọng của cả những mối liên hệ trong việc tạo động lực gặt hái thành tích cho học sinh cũng như nhu cầu lớn hơn về một cách tiếp cận “cá nhân hóa” cho việc dạy và học – những ý tưởng mà tôi sẽ bàn luận sâu hơn ở phần sau của cuốn sách này.
Người Đan Mạch từ lâu cũng hiểu rằng, những bài kiểm tra được chấm điểm bằng máy tính sẽ “tầm thường hóa” chương trình giáo dục, bởi máy tính không thể đánh giá những năng lực trí tuệ quan trọng nhất, chẳng hạn như tư duy phản biện hay tư duy giải quyết vấn đề. Chính vì thế, những kiểu bài kiểm tra chuẩn hóa vốn đã và đang trở thành thực tế hàng ngày trong gần như mọi trường công lập của chúng ta, lại không hề tồn tại ở Đan Mạch. Thay vào đó, người Đan Mạch đã tạo ra một hệ thống kiểm tra vấn đáp và tự luận toàn diện, có quy mô quốc gia ở cả bậc tiểu học lẫn trung học. Quan trọng hơn, những bài kiểm tra này thường được xây dựng, triển khai cũng như chấm điểm bởi giáo viên từ các trường hoặc học khu lân cận (không phải giáo viên trong trường đó). Kết quả kỳ thi sẽ quay trở lại, được sử dụng để liên tục cải thiện chương trình đồng thời tăng cường năng lực chuyên môn cho giáo viên.
Về đại thể, hệ thống này có hiệu quả. Gần như mọi học sinh đều được giáo dục theo những tiêu chuẩn cao và được tạo động lực trong quá trình học tập. Các thầy cô giáo được quý trọng và có vẻ rất nhiệt huyết. Người Đan Mạch hoàn toàn có lý do để tự hào về những thành tựu họ đã đạt được. Nhưng liệu hệ thống này có thể được nhập khẩu “nguyên xi” vào nước Mĩ không? Tất nhiên là không.
Không có lối tắt hay cách giải quyết nhanh gọn nào cho những nan đề trong nền giáo dục của chúng ta, dù có nhiều điều chúng ta có thể học từ hệ thống giáo dục của Đan Mạch.
Lãnh đạo, nhà hoạch định có vai trò gì trong công cuộc cải cách giáo dục?
Có lẽ một trong những bài học đáng kể nhất mà tôi học được trong chuyến đi này là tầm quan trọng của việc có những nhà lãnh đạo hay nhà hoạch định chính sách thực sự thấu hiểu và tận tâm với giáo dục công. Tôi được biết, gần 2/3 Nghị viện Đan Mạch là những cá nhân đã từng hoặc đang làm công tác giáo dục. Điều này có thể sẽ giúp giải thích lý do tại sao và bằng cách nào người Đan Mạch tiến xa đến tầm quốc tế trong việc tạo ra một hệ thống giáo dục đáp ứng được những đòi hỏi của thế kỷ 21.
Trích: Bài học giáo dục từ nước Mĩ – Tony Wagner