Tại tọa đàm “Hoạt động đào tạo giáo viên tại Việt Nam – Kinh nghiệm tham khảo từ nước Mỹ”, diễn giả khách mời của chương trình, Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Huyền, Hiệu phó thường trực Trường song ngữ quốc tế Canada đã cùng độc giả của IPER bàn luận nhiều vấn đề xoay quanh chủ đề đào tạo giáo viên, điểm nhìn so sánh giữa Việt Nam với Mỹ và nhiều quốc gia có nền giáo dục tiên tiến, những khuyến nghị với công tác phát triển chuyên môn cho giáo viên thời gian tới. Độc giả cũng có cơ hội lắng nghe trải nghiệm của chị Huyền về một buổi đào tạo giáo viên “điển hình” ở một địa phương còn khó khăn của vùng cao.  

Từ khó khăn trong quá trình triển khai tập huấn

Cuối năm 2021, Tiến sĩ Thu Huyền trực tiếp làm công tác tập huấn cho giáo viên tại một địa phương vùng núi phía Bắc. Do điều kiện dịch bệnh nên chị phải thực hiện tập huấn online. Trước ngày tập huấn, chị đã trao đổi với nhà trường về vấn đề phương tiện và thiết bị cùng đặc thù của đội ngũ giáo viên của trường để hai bên chủ động hơn trong công tác chuẩn bị. Thậm chí để đảm bảo buổi tập huấn giáo viên được diễn ra thuận lợi, chị còn báo nhà trường kiểm tra trước các thiết bị sử dụng, chia nhóm trước, kiểm tra các tương tác của thầy cô ngồi bàn cuối có nghe thấy chị nói không và ngược lại, khi họ phát biểu thì tín hiệu kết nối đến chị có tốt không. Chị hiểu rằng những chuyện dù rất nhỏ nhặt cũng có thể sẽ làm ảnh hưởng đến tâm lý người học và người dạy.  

Chị Huyền chia sẻ: “Khi mình tập huấn, quan điểm của mình là giáo viên phải được thực hành. Mình không coi trọng phải dạy hết bài, nói thật dài, mà tùy theo mức độ nhận thức của giáo viên, mình sẽ điều chỉnh độ nông sâu của bài học đó, tạo rất nhiều tương tác.”

Chị Huyền cũng phát hiện ra giáo viên thường xuyên nêu ra thắc mắc: “Tại sao cô đó hỏi nhiều thế?”. Các buổi tập huấn thường thu hút khá đông người tham gia, có buổi vài trăm người, ít nhất vẫn có khoảng 50 người, thậm chí giáo viên mang cả vở, bút để ghi chép nhưng không có nhiều tương tác 2 chiều giữa người dạy và người học. Chính vì vậy, khi thầy cô được hỏi về mong đợi của mình trong tập huấn và họ được thông báo sẽ được quyết định nội quy trong lớp thì thầy cô lại tỏ ra ngạc nhiên: “Ủa, cứ như cô đang dạy lớp 1 vậy?”. Nguyên tắc lớp học là phải có sự đồng thuận từ hai bên, mình có mong đợi của mình, thầy cô cũng có mong đợi của thầy cô là một trong những yếu tố quan trọng quyết định đến chất lượng các buổi tập huấn, đào tạo giáo viên cũng như giảng dạy học sinh, sinh viên. “Khi mình nói mong đợi của mình thì thầy cô cũng chia sẻ mong đợi của thầy cô. Nội quy của lớp sẽ dựa trên sự đồng thuận của cả người dạy và người học chứ không phải người dạy áp đặt, buộc người học tuân thủ. Mình thấy họ khá ngạc nhiên với điều này, tuy nhiên sau một thời gian họ mới nghĩ ra các quy tắc áp dụng chung cho lớp. (Mình mong muốn thầy cô cũng làm điều tương tự như vậy với học sinh)” – chị Huyền chia sẻ.  

Trong quá trình tổ chức lớp, chị Huyền luôn yêu cầu thầy cô linh hoạt trao đổi theo từng cặp, trao đổi theo nhóm nhỏ rồi nhóm lớn, phân công nhóm trưởng, chuẩn bị trò chơi vòng xoay may mắn, ứng dụng Class Social dành mọi tâm sức để thiết kế hoạt động. 

Cũng có một số nội dung triển khai chưa được như kỳ vọng của chị Huyền khi bắt đầu tập huấn, chẳng hạn tính tích cực, chủ động của người học. Chị Huyền chia sẻ: “Ban đầu, phải chờ rất lâu mới có giáo viên xung phong tham gia hoạt động. Giáo viên luôn kỳ vọng học sinh trong lớp của mình phải tích cực phát biểu nhưng khi họ tham gia tập huấn thì nhiều người tỏ ra ngại ngùng, bối rối khi được mời lên phát biểu. Mình cũng nói với các thầy cô rằng, nếu chúng ta không làm một tấm gương cho học trò thì làm sao chúng ta thuyết phục được học sinh thấy việc các em đang làm là một điều rất cần thiết. Mình đề xuất các nhiệm vụ liên tục, mỗi nhiệm vụ không kéo dài quá 15 phút, việc diễn giảng khoảng 5 phút thì sẽ dừng để đặt câu hỏi kiểm tra độ hiểu (check for understanding)”.  

TS. Nguyễn Thị Thu Huyền – Diễn giả toạ đàm “Hoạt động đào tạo giáo viên tại Việt Nam – Kinh nghiệm tham khảo từ nước Mỹ”

Đến những suy ngẫm đằng sau chuyện bồi dưỡng giáo viên 

Công việc quan trọng sau tập huấn là thu hoạch phản hồi người học. Kết thúc mỗi buổi làm việc chị Huyền lại đều đặn cung cấp các hình thức giao việc để có được thông tin phản hồi, từ đó có hướng điều chỉnh phù hợp cho các buổi kế tiếp. “Lần đầu tiên tôi được trải nghiệm trong một lớp học cởi mở, có thể chia sẻ mà không sợ bị đánh giá. Nhưng tôi mong muốn có nhiều trò chơi hơn”. Đây là dạng phản hồi khá phổ biến.  

“Thú thật mình đã đi tập huấn với chuyên gia đầu ngành trên thế giới thì mình thấy các chuyên gia không có nhiều trò chơi mà mang tính học thuật cao, đòi hỏi tập trung cao độ. Người giáo viên sau mỗi buổi tập huấn phải tương tác, phản hồi, rút ra bài học, liên kết thông tin nhằm phát triển tư duy bậc cao và nhận thức luận cho người học: Họ biết về cái mình chưa biết, biết về cái mình đã biết ở mức độ như thế nào. Trải nghiệm này cho mình niềm tin rằng mình hoàn toàn có thể thay đổi thầy cô. Vấn đề là chúng ta cần kiên trì và chờ đợi những thay đổi dần dần” – chị Huyền tâm sự.  

Tư duy của người lớn và học sinh ở Việt Nam tham gia các khóa học là họ đòi hỏi một câu trả lời duy nhất đúng. Không ai thấy hài lòng khi giáo viên trả lời theo hướng gợi mở. “Khi mình 27 tuổi, mình luôn cố gắng cho họ một câu trả lời duy nhất về những thứ mình biết, nhưng dĩ nhiên đó không phải là thứ duy nhất tồn tại. Nhưng khi mình trưởng thành hơn, đã có nhiều trải nghiệm hơn thì không có công thức nào duy nhất đúng, không có câu trả lời nào là độc nhất. Thay vào đó, mình có thể đưa ra 2 – 3 phương án trả lời với các điều kiện thỏa mãn đi cùng. Mình không bắt thầy cô phải làm cái này hay làm cái kia bởi rất có thể họ có những giải pháp còn tốt hơn nhiều giải pháp của mình” – chị Huyền nhấn mạnh về cách các giáo viên thường tư duy về câu trả lời.   

Từ thực tế đào tạo giáo viên, Tiến sĩ Huyền cũng có cho mình những kinh nghiệm quý báu. Trước hết, cần phải chia sẻ về mong đợi của mình trước khi bắt đầu lắng nghe kỳ vọng của các thầy cô. Tiếp đó, cần thông báo cho thầy cô biết trong mỗi buổi tập huấn người dạy sẽ tổ chức những hoạt động nào để họ có thể đón nhận, trải nghiệm buổi tập huấn với cảm xúc tốt nhất. Điều đó cũng giúp cho người dạy không phải tốn nhiều thời gian để “phá băng” sự thụ động của lớp. Cuối cùng, cả người dạy và người học cần ý thức rõ ràng về điều mình hướng tới khi kết thúc tập huấn: đích đến là gì, cần chuẩn bị những gì và bắt đầu từ đâu.  

 Độc giả có thể xem lại buổi toạ đàm trên tại đây.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *