Đánh giá bài viết này

Là một trong những phẩm chất quan trọng cần có trong cuộc sống, lòng can đảm giúp trẻ có khả năng mở rộng sự tìm tòi, khám phá đồng thời xây dựng sự tự tin phát triển nhiều đức tính cần thiết khác. Khi thấu hiểu đúng đắn về lòng can đảm, trẻ có thể được rèn luyện và phát triển phẩm chất này từ những điều rất nhỏ trong cuộc sống hàng ngày từ những người xung quanh mình.

DIEU THUC SU QUAN TRONG 4

Lòng can đảm là gì?

Lòng can đảm là một dạng sức mạnh tinh thần giúp nuôi dưỡng đức tính kiên trì, sự dấn thân và khả năng chống cự với những nỗi hiểm nguy, sợ hãi hay cả những khó khăn, thử thách mà không chùn bước trước mọi chông gai, cám dỗ của cuộc đời. Khi gặp phải những trở ngại, kẻ hèn nhát thường sẽ chọn bỏ cuộc còn người can đảm sẽ dám bước tiếp và vượt qua gian nan. Trong cuộc sống này, đôi khi lòng can đảm không chỉ là bản thân ta dám đương đầu với thách thức bên ngoài, mà còn là dám đối diện với chính mình.

Lòng can đảm được hình thành và thể hiện khi đứng trước khó khăn, buộc phải lựa chọn hoặc là đương đầu để vượt qua, hoặc là trốn tránh và bỏ cuộc. Nếu dám hiên ngang bước tiếp dù biết rằng có thể sẽ vẫn thất bại, thì khi ấy chính là lúc lòng can đảm ở bản thân đang trỗi dậy mạnh mẽ.

Trong cuốn Thực hành giáo dục nhân cách, tác giả đã chia nhỏ lòng can đảm thành 4 điểm mạnh nhân cách: Can đảm, kiên trì, trung thực, hăng hái. Mỗi điểm mạnh nhân cách này sẽ giúp trẻ dần dần định hình và thể nhân cách, tính cách và hành vi cá nhân của mình.

Tại sao trẻ nhỏ lại cần có lòng can đảm?

Trong một môi trường liên tục biến động thì sự lo lắng và sợ hãi có thể ngăn trẻ đạt được điều mình mong muốn. Khi sợ hãi, bên cạnh nhiều tác động tiêu cực lên thể chất, về tâm lý trẻ sẽ khó tập trung, hiếu động hơn, dễ bị kích động hoặc đột nhiên trở nên thụ động, thờ ơ. Để đối mặt và vượt qua, không có cách nào khác là trẻ cần phải rèn luyện và phát triển lòng can đảm.

Bước khỏi vùng an toàn

Lòng can đảm giúp trẻ thử sức trong các lĩnh vực mới mẻ ngay cả khi cảm thấy hồi hộp hay lo lắng, chẳng hạn như tập đi xe đạp hoặc kết bạn, thử ăn một món ăn mới hoặc chơi một trò chơi mới. Khi bước khỏi vùng an toàn, hầu hết trẻ sẽ rất cần sự động viên, khích lệ cha mẹ hay thầy cô để có thể kiên trì, nỗ lực đứng lên và làm lại ngay cả khi thất bại nhiều lần.

Thừa nhận và sửa chữa sai lầm

Thừa nhận và sửa chữa sai lầm của mình, ví dụ như làm gãy cành hoa của mẹ, hay đánh vỡ bể cá của bố khi đá bóng. Trẻ cần biết xin lỗi và giúp đỡ việc dọn dẹp. Đó cũng là biểu hiện của lòng can đảm.

Thành thật đón nhận cảm xúc của mình

Trong một thế giới mà công nghệ thông tin và mạng xã hội ngày càng phát triển, trẻ có xu hướng quan tâm nhiều hơn tới “vẻ bề ngoài” mà bỏ quên cảm xúc thật của bản thân. Đón nhận cảm xúc thật của mình cũng rất cần lòng can đảm. Trẻ cũng cần hiểu rằng, can đảm đôi khi không phải là gạt nỗi sợ hãi của mình sang một bên, bởi vì việc này sẽ khiến nỗi sợ bị kìm nén một cách tiêu cực. Trên hết, can đảm còn là bình tâm đối diện với nỗi sợ và bước khỏi vùng an toàn của mình một cách dần dần và tích cực.

Thể hiện cần sự giúp đỡ của những người xung quanh

Việc nói lên yêu cầu cần được giúp đỡ của mình cũng là một biểu hiện của lòng can đảm. Trẻ cũng cần được biết rằng con không phải tự mình đối mặt với mọi tình huống khó khăn.

Các phương thức sẽ giúp trẻ hình thành lòng can đảm

Cha mẹ, thầy cô là những người đầu tiên và quan trọng nhất của con cái, đồng thời có ảnh hưởng mạnh mẽ đến sự phát triển của trẻ. Vậy nên cha mẹ và thầy cô có thể:

Khuyến khích, động viên con trong các tình huống hàng ngày, ví dụ như:

  • Tham gia vào một lớp học mới, thử sức ở một kỹ năng mới
  • Tiếp tục luyện tập các kỹ năng và kiên trì dù chưa đạt được kết quả tốt ngay lập tức
  • Từ chối đi cùng với nhóm bạn khi biết rằng họ sẽ làm điều sai trái hoặc nguy hiểm…

Khen ngợi trẻ mỗi khi khi con thể hiện lòng can đảm

Trẻ rất muốn có sự công nhận, đặc biệt là từ cha mẹ, thầy cô của mình. Vậy nên lời khen ngợi từ những điều nhỏ nhất sẽ khiến con ngày càng tự tin hơn để phát triển lòng can đảm của mình.

Giúp con nhìn nhận sai lầm như cơ hội học hỏi

Mỗi “sai lầm” lại mang đến một bài học quý giá, điều quan trọng là trẻ đã học được điều gì sau mỗi sai lầm của mình. Việc tạo một bầu không khí tích cực khi trẻ mắc sai lầm sẽ khuyến khích trẻ can đảm đối mặt và thừa nhận sai lầm của mình một cách công khai và trung thực. Khi ấy, trẻ trở nên dễ tiếp nhận hơn với những bài học mà cha mẹ, thầy cô dạy mình, để có thể sửa đổi bản thân mình tốt hơn.

Trở thành nguồn hỗ trợ cũng như truyền cảm hứng cho con về lòng can đảm đúng đắn

Tất cả mọi người, đặc biệt là trẻ em, sẽ thể hiện lòng can đảm tốt hơn khi biết rằng mình không đơn độc và có ai đó ở bên cạnh. Vì vậy, hãy khiến cho trẻ cảm thấy mình an toàn và được đồng hành trên hành trình học hỏi này. Và điều quan trọng là cha mẹ, thầy cô hãy trở thành nguồn cảm hứng, một tấm gương để con thật sự thấu hiểu và phát triển phẩm chất này một cách đúng đắn.

William Arthur Ward đã nói “Lòng nhiệt huyết là que diêm thắp lên ánh sách của ngọn nến thành tựu” khi nói về điểm mạnh nhân cách “Hăng hái” (một trong bốn điểm mạnh nhân cách của lòng can đảm). Một đứa trẻ trở nên can đảm, có lẽ là khi trẻ hành động theo lý lẽ của mình, trẻ không bị phân tâm khi làm việc, luôn vui vẻ, hài lòng khi hoàn thành nhiệm vụ. Đó cũng là khi trẻ trở thành một người chân chính, có lý lẽ. Và với trẻ, cuộc sống là một chuyến phiêu lưu. Bồi dưỡng, rèn luyện lòng can đảm cho trẻ không phải là ngày một ngày hai, mà là một quá trình dài. Việc nuôi dưỡng lòng can đảm ngay từ lứa tuổi tạo nền tảng vững chắc giúp trẻ định hình nhân cách của bản thân ở những độ tuổi lớn hơn, tiểu học, trung học khi tiếp xúc nhiều hơn với xã hội.

Mời bạn đọc tìm đọc thêm Thực hành giáo dục nhân cách để có góc nhìn mới mẻ hơn về giáo dục tích cực, giáo dục nhân cách ở lứa tuổi mầm non.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *