Trẻ nhỏ cần được phát triển toàn diện về mặt thể chất lẫn tinh thần. Quá trình giáo dục cho trẻ phải luôn luôn đi kèm giáo dục phát triển trí tuệ và kiến thức. Khi được giáo dục trí tuệ, trẻ sẽ dễ dàng vượt qua các tình huống khó khăn khi chúng phải đối mặt.

Giáo dục phát triển trí tuệ cho trẻ mầm non

Sự phát triển trí tuệ của trẻ em ở lứa tuổi mầm non được diễn ra thông qua các hoạt động đa dạng như: giao tiếp, hoạt động với đồ vật, hoạt động vui chơi , đi dạo… và sinh hoạt hằng ngày. Những tri thức mà trẻ tiếp nhận được trong cuộc sống hằng ngày thường rời rạc, thiếu hệ thống. Phát triển trí tuệ có hiệu quả nhất được diễn ra dưới tác động có tổ chức, có hệ thống của giáo dục. Người ta gọi đó là quá trình giáo dục trí tuệ.

Giáo dục trí tuệ cho trẻ mầm non là cách trang bị và phát triển có kỹ năng cảm xúc ở trẻ. Nhằm giúp trẻ có thể điều khiển cảm xúc, thể hiện cảm xúc đúng đắn trong các trường hợp khác nhau. Việc giáo dục trí tuệ ở trẻ mầm non sẽ xây dựng được các mối quan hệ tốt, tăng thêm năng lượng tích cực trong đời sống. Việc giáo dục trí tuệ cho trẻ có thể được giảng dạy ngay từ khi trẻ vào học mầm non.

Tại sao cần phát triển trí tuệ và kiến thức cho trẻ mầm non?

Cơ hội vàng giúp trẻ rèn luyện các giác quan cho trẻ.

Việc phát triển giác quan cho trẻ mầm non trong những năm tháng đầu đời có vai trò quan trọng góp phần giúp trẻ phát triển trí tuệ, tinh thần và thể chất trong quá trình lớn lên.

Việc tổ chức các hoạt động đa dạng giúp trẻ không chỉ có những kinh nghiệm về cuộc sống xung quanh, hiểu được ý nghĩa và một số tính chất của các sự vật hiện tượng mà còn có khả năng sắp xếp – phân loại. Từ đó, trẻ có khả năng mở rộng sự định hướng của mình trong môi trường xung quanh, tích cực khám phá những điều mới lạ, hấp dẫn trong thế giới xung quanh.

Kinh nghiệm xã hội của trẻ ngày càng phong phú

Nhờ sự giúp đỡ của người lớn, kinh nghiệm xã hội của trẻ ngày càng phong phú. Đó là những biểu tượng về thiên nhiên, xã hội và mối quan hệ giữa con người với con người, con người với thiên nhiên… Trên cơ sở đó mà một vài phẩm chất trí tuệ sơ đẳng được hình thành như: óc quan sát, năng lực phân biệt và khái quát các sự vật, hiện tượng… của trẻ.

Phát triển trí tuệ cũng cần gắn liền với giáo dục đạo đức

Phát triển trí tuệ cũng cần gắn liền với giáo dục đạo đức, vì người lớn không chỉ truyền đạt và làm giàu biểu tượng về thế giới xung quanh cho trẻ, mà còn sử dụng nó để giáo dục đạo đức, tình cảm cho trẻ thơ. Thông qua những câu chuyện kể hàng ngày hay những lời ru ngủ, chơi trò chơi … người lớn hướng cho trẻ biết yêu cái thiện, không tranh giành đồ chơi với bạn, biết vâng lời người lớn, biết giữ gìn đồ dùng, đồ chơi… và dần dần hiểu được thế nào là ngoan, không ngoan, thế nào là tốt, không tốt… Được sự hướng dẫn, giúp đỡ của người lớn, đứa trẻ sẽ cảm thụ được cái đẹp từ đó khơi dậy trong tâm hồn trẻ thơ những tình cảm trong sáng. Đây chính là nền tảng để sau này trẻ biết nhìn nhận ra cái đẹp và tạo nên cái đẹp trong hoạt động cá nhân cũng như trong đời sống thường ngày.

Các trường mầm non, cơ sở giáo dục mầm non đã làm gì để thực hiện điều này?

Ở lứa tuổi nhà trẻ, tâm lý nói chung và trí tuệ nói riêng phát triển cực kì nhanh chóng. Hiện nay, để giúp trẻ phát triển trí tuệ từ sớm. nhiều cơ sở giáo dục mầm non đã có nhiều những ý tưởng hay được áp dụng.

Phát triển trí tuệ và kiến thức cho trẻ thông qua các hoạt động, trò chơi vận động.

Về phương diện trí tuệ, hoạt động trí tuệ và kiến thức là hoạt động chiếm ưu thế, đánh dấu sự khôn lớn của trẻ, vì vậy nhà trường và gia đình nên kích thích sự phát triển của trẻ như:

Hình thành và phát triển hoạt động trí tuệ và kiến thức cho trẻ thông qua việc tổ chức các vận động, các hoạt động chơi – tập nhằm hình thành ở trẻ các chuẩn cảm giác: màu sắc, mùi, vị…, đặc biệt là chuẩn cảm giác màu sắc. Trên cơ sở đó, hình thành và phát triển khả năng định hướng trong không gian cho trẻ (trên – dưới, trước – sau, cao – thấp…) bằng thị giác và thính giác.

Phát triển ngôn ngữ cho trẻ thông qua việc cung cấp vốn từ ngày càng phong phú cho trẻ.

Giúp trẻ thông hiểu ngôn ngữ một cách đơn giản và tập diễn đạt bằng ngôn ngữ về nhu cầu, nguyện vọng của mình cho người khác hiểu được.

Hình thành những khái niệm cơ bản về thế giới xung quanh và phát triển năng lực tư duy trực quan hành động cho trẻ.

Những nhiệm vụ nêu trên có quan hệ mật thiết với nhau. Nếu trang bị và giáo dục trẻ thật tốt và đầy đủ tất cả những nhiệm vụ này sẽ thúc đẩy tâm lý nói chung, trí tuệ nói riêng của trẻ phát triển. Nếu các trường mầm non hay cơ sở giáo dục mầm non không chú ý hoặc bỏ qua giai đoạn phát triển quan trọng này của trẻ thì vô hình chung sẽ bỏ qua một cơ hội vàng để phát triển trí tuệ, kiến thức cho trẻ và khó có thể bù đắp lại được cho trẻ vào những giai đoạn sau.

Tóm lại, phát triển trí tuệ và kiến thức đóng một vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình hình thành nhân cách ở hiện tại, tương lai. Độc giả có thể tìm đọc thêm tựa sách “Thực hành giáo dục nhân cách – giúp trẻ trưởng thành hạnh phúc và vững vàng” để bổ sung và update thêm nhiều hoạt động thú vị giúp trẻ phát triển trí tuệ nói riêng và phát triển nhân cách nói chung trong lứa tuổi mầm non.

Content by Nguyễn Thị Hải Yến

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *