Ngày 23/4 hàng năm được xem là ngày biểu trưng của văn học thế giới. Đánh giá tầm quan trọng của văn hóa đọc, Liên hợp quốc đã chọn ngày 23/4 để kỷ niệm Ngày Sách và Bản quyền Thế giới nhằm tôn vinh những giá trị của sách và đóng góp của các tác giả khi cho ra đời nhiều tác phẩm có giá trị.
Nguồn gốc ngày Sách và Bản quyền 23/4
Lịch sử của “Ngày hội đọc sách” được ra đời từ hơn 80 năm trước ở Tây Ban Nha, vào ngày 23/4, người ta yêu mến nhau và tặng nhau những cuốn sách kèm theo những đóa hoa hồng và bất cứ ai mua sách sẽ được tặng kèm theo một bông hoa hồng đẹp. Cũng vào ngày này của năm 1616, 3 đại văn hào của thế giới là Cervantes, Shakespeare và Inca Garcilaso de la Vega đều đã qua đời sau khi để lại cho nhân loại những tác phẩm văn học vô cùng có giá trị trong mọi thời đại. Ngày 23/4 cũng là ngày sinh hoặc ngày giỗ của các tác giả nổi tiếng khác như: Maurice Druon, K.Laxness, Vladimir Nabokov, Josep Pla and Manuel Mejía Vallejo.
Trước những dấu ấn đặc biệt liên quan đến văn học đều diễn ra vào ngày 23/4, Đại hội đồng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO), tổ chức tại Paris vào năm 1995, đã ngẫu nhiên lựa chọn ngày này để tôn vinh văn hóa đọc cũng như các tác giả đã cho ra đời những tác phẩm có giá trị đối với toàn thế giới.
Ý nghĩa ngày Sách và Bản quyền 23/4
Ngày này được tổ chức hàng năm tại mỗi quốc gia nhằm đảm bảo cho mọi người khám phá và thỏa mãn sở thích đọc của mình, đồng thời là dịp để tôn vinh những tác giả đã có nhiều đóng góp cho sự tiến bộ văn hóa, văn minh xã hội của nhân loại. Đây cũng là dịp thể hiện sự hợp tác, hợp lực giữa các tác giả, các nhà xuất bản, trường học, các thư viện, các cơ quan Nhà nước, công ty tư nhân, các tổ chức phi chính phủ và các cơ quan thông tin đại chúng trong việc tổ chức lễ kỷ niệm về sách và các tác giả.
Với ngày kỷ niệm này, UNESCO mong muốn khuyến khích tất cả mọi người, nhất là giới trẻ, khám phá những niềm vui của việc đọc sách; và ghi nhận những đóng góp không thể thay thế của nhiều tác giả đối với các tiến bộ xã hội và văn hóa của nhân loại.
Những câu chuyện thú vị về sách trên thế giới và ở Việt Nam
Tại Châu Phi, nhiều bạn trẻ tham gia ngày hội sách tình nguyện đem sách tới nơi người bệnh, người cao tuổi, những người mù loà và cả những người không biết chữ, đọc thành tiếng cho họ nghe.
Các phương tiện thông tin đại chúng cũng góp công không nhỏ, đó là việc đăng tải các bài báo giới thiệu sách, về văn hoá đọc, về bản quyền và vi phạm bản quyền,… trên báo và tạp chí. Những chương trình phát thanh, truyền hình đặc biệt thuộc thể loại phỏng vấn, tranh luận, trò chơi v.vv… cũng ưu tiên cho các đề tài nêu trên.Tính sáng tạo của các nhà báo, nhà văn trẻ, nhà soạn nhạc, nhà làm phim cũng sẽ được công chúng ghi nhận và tán dương trong ngày hội đọc sách thông qua báo chí.
Hoạt động về quyền tác giả: Ngày này cũng là ngày dành riêng cho việc tuyên truyền nâng cao ý thức của công chúng trong vấn đề bản quyền, là dịp để các luật sư, các tác giả và nhà sáng tạo thảo luận các chủ đề khác nhau về bản quyền, là cơ hội đến tìm hiểu các tổ chức quản lý tập thể và thực tập về luật bản quyền cho sinh viên ngành xuất bản,bản quyền.
Tại Trung Quốc gần đây đã quyết định thực hiện chương trình thúc đẩy văn hóa đọc, trong đó hoạt động tiêu biểu là “Ngày đọc sách cùng con trẻ” dành cho các bậc phụ huynh khắp cả nước vào ngày 23/4 tới. Đồng thời đã tiến hành một chiến dịch với hàng loạt hoạt động thúc đẩy văn hóa đọc, đặc biệt trong giới trẻ, phụ nữ và nông dân. Chương trình này bao gồm việc giảm giá bán sách, tổ chức các cuộc thi viết về sách, khai trương các thư viện mới ở thành phố và nông thôn, quyên tặng sách cho các vùng sâu, vùng xa hoặc khu vực bị thiên tai…
Tại Việt Nam, Ngày đọc sách thế giới được tổ chức hàng năm do Hội đồng Anh (British Council) khởi xướng từ năm 1996 ,Trung tâm văn hóa Pháp tại Hà Nội – L’espace cũng có nhiều hoạt động có ý nghĩa thiết thực để tuyên truyền cho văn hoá đọc. Những năm gần đây Bộ Văn Hoá Thông tin – Thể thao và Du lịch đã khuyến khích, đưa phong trào đọc sách, báo trở thành thành nét đẹp văn hóa của con người Việt Nam trong thời kỳ đất nước giao lưu, hội nhập quốc tế. Mong muốn “Ngày hội đọc sách” sẽ lan toả khắp cả 64 tỉnh thành nhằm thúc đẩy và tôn vinh những ngành nghề liên quan đến sách báo và tri thức như :Thư viện, Xuất bản, phát hành… để sách báo trở thành những người bạn thân thiết của mỗi người hơn.
Với tinh thần ham học hỏi, đề cao tầm quan trọng của sách báo và tri thức trong học tập cũng như đời sống, sự kiện ngày đọc sách thế giới ở Việt Nam đang trở thành một nét sinh hoạt văn hoá, văn minh của những người yêu mến sách báo cần được duy trì và quảng bá rộng hơn trong xã hội và rất cần sự hỗ trợ, quan tâm hơn nữa của các cơ quan chức năng để Văn hóa đọc luôn là nhu cầu không thể thiếu của những công dân văn minh trong thời đại ngày nay.