Đọc sách là một trong nhiều cách thức giúp con người được thư giãn đồng thời cũng trang bị cho con người kiến thức, phát huy khả năng tư duy sáng tạo. Nhưng vì do sự bùng nổ mạnh mẽ của công nghệ thông tin đã tác động không nhỏ tới giới trẻ, nhất là văn hóa đọc.
Văn hóa đọc là gì?
Thuật ngữ Văn hóa đọc đến thời điểm hiện tại chưa có trong mục từ điển, chưa được coi là một định nghĩa hay khái niệm hoàn chỉnh và thống nhất. Có nhiều quan niệm khác nhau về văn hóa đọc. Ths Chu Văn Khánh đưa ra quan niệm, văn hóa đọc là một loại hình hoạt động văn hóa, bởi lẽ:
- Đọc sách là tiêu thụ và quảng bá những giá trị văn hóa.
- Các giá trị từ sách báo mà người đọc tiếp nhận, đã được thực thao và làm nền tảng để tiếp tục sáng tạo nên những giá trị mới.
- Vì vậy, có thể xem văn hóa đọc là một chỉ số văn hóa của một cộng đồng, một xã hội.
Ths Bùi Văn Vượng lại coi thuật ngữ văn hóa đọc là đọc sách có văn hóa, hay xây dựng một xã hội đọc sách, trong khi TS Lê Văn Viết quan niệm đọc đến một mức độ, trình độ nhất định nào đó thì mới được coi là văn hóa đọc. Dù có nhiều cách hiểu khác nhau, nhưng tựu trung lại, văn hóa đọc là khái niệm đề cao tính nghệ thuật, tính thưởng thức văn hóa đích thực trong việc đọc sách, vượt lên trên khái niệm đọc đơn thuần.
Trong thời đại bùng nổ thông tin, khoa học kỹ thuật phát triển, văn hóa đọc không chỉ giữ phương thức đọc truyền thống (sách in) mà chuyển sang phương thức hiện đại (đọc trên các thiết bị điện tử máy tính, internet, điện thoại…) đáp ứng được nhu cầu thị hiếu của độc giả trong đó có giới trẻ. Điều này cho thấy văn hóa đọc cần khẳng định vị thế và tầm ảnh hưởng lớn đến xã hội.
Thực trạng văn hóa đọc hiện nay ở Việt Nam
Thực tế, thói quen truy cập mạng trở nên phổ biến, khi muốn có thêm thông tin có thể tìm trên những trang báo mạng, muốn tra cứu vấn đề gì đều có thể vào các trang chuyên về tìm kiếm trên mạng. Điều đó khiến giới trẻ dường như ngày càng tìm đến sách báo ít hơn. Thói quen đọc sách cũng không còn được duy trì thường xuyên.
Theo một khảo sát gần đây, Việt Nam chỉ có 30% số người đọc sách thường xuyên, 26% không đọc sách và 44% thỉnh thoảng đọc sách. Đồng thời, thời gian dành cho đọc sách của người Việt Nam khoảng một giờ, thuộc nhóm thấp nhất trên thế giới. Còn theo số liệu khảo sát của Viện nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường về việc sử dụng thời gian rảnh để làm việc gì là chủ yếu, có đến 41,7% số bạn trẻ trả lời là lên mạng, 20% xem phim, 16,7% nghe nhạc và chỉ có 15% trả lời là đọc sách. Và trong một khảo sát đối với sinh viên TP.HCM, có 47,26% sinh viên nhận thức được tầm quan trọng của sách, 26.37% nghĩ rằng đọc sách là cần thiết, 25,15 cho rằng việc đọc sách là bình thường, có hay không cũng được và 1,22% nghĩ rằng việc đọc sách là không cần thiết. (Theo vov2.vn)
Đây là một thực trạng rất đáng báo động trong giới trẻ. Một phần nguyên nhân là do các bạn trẻ phải dành thời gian cho việc học quá nhiều nên những nhu cầu giải trí trong đó có đọc sách cũng bị hạn chế. Hơn nữa, trong thời đại ngày nay, văn hóa nghe, nhìn đang có phần lấn át văn hóa đọc của cộng đồng nói chung và giới trẻ nói riêng. Và còn một thực tế cũng nguy hại không kém, đó là việc đọc sách của các bạn trẻ ngày nay hầu như chỉ theo phong trào chứ không thực chất và nếu có đọc thì thường chọn những loại truyện ngôn tình, những loại sách đen.
Giải pháp khắc phục
– Ngay từ khi còn nhỏ việc đọc cần sự định hướng, hướng dẫn đúng đắn từ gia đình, nhà trường. Vấn đề đổi mới phương pháp dạy và học; xây dựng thói quen đọc, kỹ năng đọc như một môn học cần thiết cần được áp dụng ở các cấp học. Thầy cô giáo là người chọn lọc và định hướng học sinh đến với tác phẩm hay, có ý nghĩa. Từ góc độ gia đình, sự quan tâm, hướng dẫn chỉ bảo của bố mẹ sẽ tạo cho giới trẻ thói quen đọc sách lành mạnh và những kỹ năng cần thiết để lựa chọn sách đọc. Như vậy, thói quen đọc sách của công chúng được nâng cao, xây dựng kỹ năng đọc và trau dồi tri thức một cách toàn diện hơn.
– Về phía đội ngũ sáng tác cần sự sáng tạo, đổi mới về nội dung và hình thức tạo nên tác phẩm văn chương có giá trị nghệ thuật cao, thu hút độc giả. Bên cạnh đó cần sự trao đổi giữa tác giả và bạn đọc để đáp ứng được nhu cầu thị hiếu của công chúng trong tiếp nhận văn học
– Hiện nay báo chí truyền hình là kênh thông tin có tác động lớn nhất đến dư luận xã hội. Cần truyền bá sách đọc có chất lượng cao từ nước ngoài và trong nước để định hướng cho văn hóa đọc phát triển. Bên cạnh đó, các cơ sở quản lý trang thông tin mạng, băng đĩa hình, sách báo cần thống nhất trong phương thức quản lý, tiếp nhận, trình bày để có những trang sách đẹp, hấp dẫn góp phần vào việc hướng dẫn, kích thích đọc.
– Môi trường đọc cũng là một trong những giải pháp quan trọng tạo hứng thú cho người đọc và thúc đẩy văn hóa đọc phát triển. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, ứng dụng trang thiết bị hiện đại cho các thư viện và hỗ trợ xây dựng thói quen đọc tại thư viện, siêu thị sách; phát triển loại hình chuyển phát nhanh, mang sách đến với vùng sâu vùng xa góp phần xây dựng thị hiếu đọc lành mạnh cho công chúng.
– Hệ thống xuất bản: Các biên tập viên tại các nhà xuất bản cần được chú trọng, đào tạo nâng cao nghiệp vụ hàng năm. Biên tập viên văn học phải có “con mắt xanh” đánh giá, biên tập, được những tác phẩm văn học hay. Nhà xuất bản tổ chức giới thiệu, quảng bá sách dưới nhiều hình thức: ngày hội sách, thi sáng tác, đồng tổ chức các giải thưởng nghệ thuật… nhằm cổ vũ cho phong trào đọc sách tạo không khí văn hoá đọc lành mạnh và bổ ích cho mọi đối tượng trong đó có giới trẻ.
Văn hóa đọc có ý nghĩa rất quan trọng, không chỉ nâng cao nhận thức mà còn hình thành nhân cách con người.Vì vậy, ngay từ khi ở bậc tiểu học, cha mẹ và thầy cô giáo hãy khuyến khích, hướng dẫn trẻ cách tìm kiếm sách, cách đọc sách sao cho hiệu quả. Điều đó sẽ giúp hình thành thói quen đọc sách và có thể khuyến khích giới trẻ đến với sách nhiều hơn.
Content by Nguyễn Thị Hải Yến