Ngày 25.09 vừa qua, IPER vừa tổ chức thành công tọa đàm trực tuyến “Tìm hiểu triết lý giáo dục khai phóng: Triết lý giáo dục của Tự do” với sự tham gia của 2 diễn giả: TS Bùi Trân Phượng và ThS Hoàng Anh Đức. Tại buổi tọa đàm, nhiều kiến thức, góc nhìn, quan điểm về giáo dục khai phóng đã được 2 vị diễn giả chia sẻ. 

Với mong muốn lan tỏa triết lý giáo dục Khai phóng, ngày 25 tháng 9 năm 2021, Trung tâm Nghiên cứu Xuất bản và Giáo dục IPER đã tổ chức tọa đàm trực tuyến “Tìm hiểu Giáo dục khai phóng: Triết lý giáo dục của Tự do” với tham gia của 2 diễn giả – TS Bùi Trân Phượng và ThS Hoàng Anh Đức. Thông qua sự kiện, IPER đã cùng 2 vị diễn giả đã phân tích, chia sẻ các khía cạnh của giáo dục khai phóng, đặc biệt là liên hệ thực tiễn với giáo dục Việt Nam đang trong giai đoạn có nhiều sự chuyển biến từ đó góp phần lan tỏa triết lý giáo dục, kiến tạo nên một thế hệ trẻ sống tự do, bác ái, trang bị đầy đủ các năng lực tư duy, phản biện, phát triển hài hòa và tối đa những năng lực và sức mạnh ẩn sau trong mỗi người thông qua triết lý giáo dục đầy nhân văn này. Sự kiện cũng là dịp để thầy cô, bậc phụ huynh nói lên những trăn trở, suy nghĩ về việc làm sao để chuẩn bị cho các em có đầy đủ hành trang để bước vào một thế giới biến đổi không ngừng.

Theo ông Trịnh Minh Tuấn, Giám đốc Công ty Cổ phần Xuất bản và Giáo dục Quảng Văn: “Trong bối cảnh quá ít các thông tin về chủ đề giáo dục khai phóng tại Việt Nam, chúng tôi kì vọng rằng thông qua buổi tọa đàm này và tựa sách “Biện hộ cho một nền giáo dục khai phóng” của tác giả Fareed Zakaria sẽ giúp mang đến cho độc giả, những người quan tâm đến giáo dục có cái nhìn chi tiết và rõ nét hơn về triết lý giáo dục nhân văn này”.

Tại sự kiện, TS Bùi Trân Phượng chia sẻ: “ Nhân loại đã để lại một kho tàng nhân văn vĩ đại đầy chất sống thực trong mọi lãnh vực hoạt động sáng tạo của con người, từ nghệ thuật đến khoa học, chứa đầy những ý tưởng bổ ích. Bỏ kho tàng đó đi thì giống như một nhà nghèo mà vứt bỏ cả kho báu. Thật sự, thiếu giáo dục khai phóng, con người nghèo nàn và đơn điệu làm sao! Giáo dục khai phóng làm cho con người tích cực năng động và sáng tạo, có năng lực và nhạy cảm, biến các thanh niên chẳng suy nghĩ, chỉ biết thực hiện nhiệm vụ, thành những con người biết tư duy”.

“Để áp dụng giáo dục khai phóng vào trong các trường đại học ở Việt Nam thì không còn gì hơn là tạo ra tối đa các sự lựa chọn cho người học. Hãy để các em tự quyết định mình cần, muốn học gì chứ không phải theo lộ trình môn học mà nhà trường đưa ra ” ThS. Hoàng Anh Đức đưa ra quan điểm về cách áp dụng giáo dục khai phóng tại các trường Đại học tại Việt Nam.

Qua sự kiện này, các độc giả đã có được cho mình những thông tin, kiến thức trên nhiều khía cạnh của giáo dục khai phóng. IPER tin rằng, những giá trị thiết thực này sẽ giúp mọi người có cái nhìn rõ nét hơn về triết lý giáo dục nhân văn này.

Để xem lại sự kiện này, độc giả vui lòng xem tại đây: https://www.youtube.com/watch?v=gWOZTIBwEK8&t=4180s

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *