Ngày 25.09.2021 vừa qua, IPER tổ chức thành công tọa đàm “Tìm hiểu giáo dục khai phóng: Triết lý giáo dục của tự do” với sự tham gia của diễn giả Bùi Trân Phượng. Tại sự kiện, cô Phượng đã có những góc nhìn, quan điểm sâu sắc về triết lý giáo dục nhân văn này.

Tiến sĩ Bùi Trân Phượng là nhà nghiên cứu, quản lý giáo dục tại Đại học Thái Bình Dương. Trước đây, bà là hiệu trưởng, Chủ tịch HĐQT trường Đại học Hoa Sen. Bà từng du học lấy và bằng tiến sĩ tại Đại học Lyon 2 (Pháp).

Bà được tổng thống Pháp trao tặng huân chương Quốc công bậc Hiệp sĩ năm 2012 và huân chương Bắc đẩu bội tinh bậc hiệp sĩ năm 2014 vì những đóng góp thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Pháp và Việt Nam trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục. Bà nhận giải thưởng “Vì sự nghiệp văn hóa và giáo dục” của quỹ văn hóa Phan Châu Trinh năm 2013. Năm 2017, bà được tạp chí Forbes vinh danh trong danh sách 20 phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam.
Và sau đây IPER sẽ đăng lại một số trích dẫn của TS Bùi Trân Phượng tại sự kiện vừa qua.

Câu hỏi 1: Giáo dục khai phóng không còn là khái niệm mới mẻ trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Tuy nhiên, dường như chưa có một cách hiểu thực sự đầy đủ và nhất quán về khái niệm này. Chúng ta nên hiểu giáo dục khai phóng là gì thưa cô Phượng?

Khi người ta nói về giáo dục khai phóng, thì người ta muốn nói đến nền giáo dục sẵn có, giảng dạy cho người ta làm nghề nào đó, mà dạy cho người ta làm “người” với “tính người” cao nhất.Xét về mặt lịch sử, nó xuất phát từ cổ đại phương Tây,  nhưng nó là nền giáo dục dành cho những người công dân tự do. Và những người công dân tự do này là những người thiểu số. Họ có đầy đủ quyền làm người, trong đó chủ yếu là quyền làm chính trị. Cho nên giáo dục khai phóng thời Hy Lạp đào tạo những người mà họ có thể sử dụng toàn bộ năng lực làm người của họ, bởi vì họ là người tự do.  Đó là cội nguồn của giáo dục khai phóng.

Tất nhiên, tùy vào sự phát triển của thời đại mà người ta xem xét khái niệm giáo dục khai phóng ở trên những góc độ, tính chất khác nhau.

Ở đây, tôi muốn nói về một cái nhìn khác. Nếu nhìn từ Phương Đông cổ đại, chúng ta cũng như các nước Đông Á chịu ảnh hưởng bởi Nho, Phật, Lão, nhưng duy trì trong thời gian lâu dài nhất vẫn là Nho giáo – Khổng Tử.  Triết lý của Nho giáo là “Nhân chi sơ, tính bản thiện” hay “Nhân bất học, bất tri lý” – cũng là giáo dục nhân bản, giáo dục con người, tức là dù có làm nghề gì thì cũng phải trở thành người có đầy dủ “nhân, nghĩa, lễ, trí, tín”. Tuy nhiên, mục đích sâu xa của Nho giáo là khiến con người để phục tùng cấp trên, duy trì nền hòa bình trật tự xã hội. Còn giáo dục nhân văn thời Hy Lạp cổ đại – được các quốc gia Phương Tây gìn giữ, sau này Hoa Kỳ định hình rõ rệt hơn, rất khác với Nho giáo Phương Đông ở chỗ: Khi người ta nói khai phóng là người ta nói đến con người cá nhân, và người ta muốn phát triển tiềm lực, năng lực cá nhân ở mỗi con người. Đó là sự khác biệt giữa 2 triết lý giáo dục này.

Diễn giả TS Bùi Trân Phượng

Câu 2 Với những hình dung cơ bản như vậy, chúng ta hiểu rằng giáo dục khai phóng là một triết lý giáo dục hướng tới vun đắp một con người toàn thiện, có đầy đủ khả năng trở thành những cá nhân lãnh đạo, dẫn dắt xã hội. Tại sao phương Tây nói chung lại trở thành mảnh đất màu mỡ cho giáo dục khai phóng, song cũng là nơi chứng kiến sự thoái lui của triết lý này?

Giáo dục khai phóng thời kỳ cổ đại đã phát triển rực rỡ và tôi cho đó là nền móng rất quan trọng. Tuy nhiên, khi Thiên Chúa giáo thống trị với tư cách là một tôn giáo có quyền lực vượt tất các cả biên giới quốc gia. Đứng trên góc độ triết lý thì Thiên Chúa giáo cũng đem lại các giá trị to lớn, trong đó cũng có giá trị tự do – con người tự do trước Thiên Chúa. Tuy nhiên hoạt động thưc tế của nhà thờ Thiên Chúa giáo, các Giáo hội – định chế quyền lực mạnh mẽ, đôi lúc là quyền lực tuyệt đối. Khi mà Thần quyền chi phối các nghiên cứu, các đơn vị đào tạo đầu tiên phải thoát lý ra khỏi nó để xác lập trường Đại học. Cho nên có một thời gian dài gọi là “Đêm trường trung cổ ở Phương Tây”. Rồi đến thời kì Phục Hưng, giáo dục khai phóng bùng nổ trở lại với sự ra đời của các trường Đại học ở Châu Âu – nơi mà định chế giáo dục tự do lên ngôi – nơi mà con người ta tự do nghiên cứu, theo đổi kiến thức. Và từ “University” từ đó ra đời với ý nghĩa 1 cộng đồng người tự do tìm tòi nghiên cứu, học hỏi. Và họ được các nhà thờ Công giáo cho một số quyền tự do.

Tại sao châu Âu lại trở thành mảnh đất màu mỡ cho giáo dục khai phóng là bởi vì từ Hy Lạp cổ đại đó khẳng định quyền tự do của những cá nhân thiểu số trong xã hội. – nhưng mà là quyền tự do cá nhân. Sau đó khởi phát lại trong thời kì Phục Hưng, trong giai đoạn này, nó lại là quyền tự do phát triển văn hóa, nghệ thuật, khoa học theo sáng kiến của cá nhân. Do vậy nên chủ nghĩa cá nhân gắn liền chặt chẽ gốc rễ với tinh thần, triết lý giáo dục khai phóng. Triết lý này giúp họ giải phóng tư duy cá nhân để họ không bị giới hạn khám phá, tìm tòi những kiến thức mới, những chân trời mới. Đó là tinh thần gắn bó chặt chẽ với Phương Tây.

Ngày nay, giáo dục khai phóng bị lui lại một chút trước sự phát triển rất mạnh mẽ và thành công của công nghệ và nó cũng không còn là tinh hoa nữa, kể cả giáo dục đại học. Đại học phải trở nên đại chúng bởi quyền tiếp cận giáo dục đại học của mỗi người. Xưa kia, trong các université, người học chỉ tập trung duy nhất vào một việc đó là học tập và nghiên cứu. Nhưng ngày nay,người học cần một cái nghề để có thể kiếm sống, duy trì cuộc sống, nếu không họ rất dễ bị đào thải, gạt ra khỏi bên lề xã hội.

Chính sự phát triển của khoa học kĩ thuật cũng mang nhiều mâu thuẫn. Sự phát triển này được khởi phát từ tự do tư duy con người, và đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, ảnh hưởng sâu sắc đến xã hội. Và con người lao theo những thành tựu đó, và cảm thấy những kiến thức về văn hóa, lịch sử, nghệ thuật rất mông lung, không thực dụng trong cuộc sống.

Nhưng ngày càng, xã hội càng bất định, nhiều người nhận ra rằng để tồn tại, phát triển thì không thể bám vào một bộ kĩ năng nhất định, mà cần phải linh hoạt thích nghi, phải sáng tạo, có trí tưởng tượng phong phú. Và chính giáo dục khai phóng là định hướng giúp con người giải quyết những vấn đề trong thời đại bất ổn như hiện nay.

(Còn tiếp)

Về sự kiện “Tìm hiểu giáo dục khai phóng – Triết lý giáo dục của tự do”

Chương trình có sự tham gia của 2 diễn giả: TS Bùi Trân Phượng và ThS Hoàng Anh Đức.

Chương trình sẽ đi sâu bàn luận chi tiết các vấn đề sau:

⏩Khởi nguồn và khái niệm của Giáo dục khai phóng

⏩Sự khác biệt của Giáo dục khai phóng và giá trị của nó trong thời hiện đại

⏩Cách thức áp dụng triết lý Giáo dục khai phóng vào trong chương trình giảng dạy.

⏩Liên hệ hành trình triết lý Giáo dục khai phóng du nhập vào Việt Nam.

Để theo dõi lại chương trình, các bạn truy cập: https://tinyurl.com/yyw2zkth

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *