Song song với quá trình phát triển của Internet và xu hướng học từ xa của các trường đại học là sự xuất hiện của một thuật ngữ mới – tài nguyên giáo dục mở – Open Education Resources. Càng ngày OER lại càng được nhiều sinh viên, giảng viên, nhà nghiên cứu tìm kiếm và sử dụng nhiều hơn. Vậy tài nguyên giáo dục mở là gì? Hãy cùng tìm hiểu các luận giải về thuật ngữ này ở bài dưới đây.
Tài nguyên giáo dục mở là gì?
Trước khi tìm hiểu chi tiết về tài nguyên giáo dục mở, chúng ta hãy cùng tìm hiểu một khái niệm rộng hơn, bao trùm hơn, đó là giáo dục mở. Giáo dục mở (Open Education) là một tập hợp các thực hành tận dụng công nghệ trực tuyến để chia sẻ tri thức miễn phí.
Khái niệm tài nguyên giáo dục mở (Open Education Resources) lần đầu tiên được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc – UNESCO (United Nations Educational, Scientific and Cultural Organization) đưa ra tại Diễn đàn 2002 về Khóa học mở (2002 Forum on OpenCourseware).
Trong cuốn sách “Giáo dục và Khoa học mở”, nhóm tác giả đã định nghĩa về OER như sau: Tài nguyên giáo dục mở là các tài liệu dạy, học và nghiên cứu nằm trong miền công cộng (public domain) hoặc được công bố sử dụng các giấy phép sở hữu trí tuệ cho phép người khác sử dụng, phóng tác (adapt) và phân phối (distribution) miễn phí. Tài nguyên giáo dục mở có thể là sách giáo khoa, tài liệu khóa học và toàn bộ khóa học, học phần, bài kiểm tra, video trực tuyến,…được sử dụng để hỗ trợ tiếp cận kiến thức.
Người dùng có thể làm gì với các tài nguyên giáo dục mở
Vì sao ngày càng có nhiều người tiếp cận và sử dụng tài nguyên giáo dục mở? Bởi một tài nguyên giáo dục mở sẽ cho phép người dùng sử dụng các quyền (5R) sau:
- Tái sử dụng (Reuse): Quyền sử dụng lại nội dung ở dạng nguyên văn/không thay đổi.
- Tái sửa đổi (Revise): Quyền điều chỉnh, sửa đổi hoặc thay đổi nội dung.
- Tái kết hợp (Remix): Quyền kết hợp nội dung gốc hoặc nội dung đã sửa đổi với nội dung khác để tạo ra nội dung mới.
- Tái phân phối (Redistribution): Quyền tạo và chia sẻ các bản sao của nội dung gốc, bản sửa đổi nội dung hoặc bản phối lại nội dung với những người khác.
- Tái tạo và lưu giữ (Retain): Tái tạo, sở hữu và kiểm soát các bản sao nội dung.
Sử dụng tài nguyên giáo dục mở mang lại những lợi ích gì?
Việc sử dụng OER sẽ mang lại những lợi ích sau:
Giảm chi phí cho sinh viên
Tiếp cận kiến thức qua các tài nguyên giáo dục mở sẽ giúp tiết kiệm một khoản chi phí lớn và là phương án tối ưu nhất trong khi chi phí mua sách giáo khoa ngày càng tăng hay so với các chi phí sử dụng sách điện tử khác.
Lợi ích về mặt sư phạm
Một điểm cộng lớn đối với tài nguyên giáo dục mở đó là nó cho phép sửa đổi tài liệu như loại bỏ những nội dung không liên quan và bổ sung những kiến thức cần thiết. Nhờ đó các giảng viên có thể tạo ra tài liệu giảng dạy phù hợp nhất cho mình. Ngoài ra, giảng viên cũng có được những chia sẻ, ý kiến của sinh viên về bài giảng của mình.
Lợi ích cộng đồng
Nhờ có nguồn tài nguyên giáo dục mở mà việc tiếp cận và khai thác tài liệu bên ngoài phạm vi trường học cũng trở nên dễ dàng và phổ biến hơn nhiều. Ngoài ra, các kết quả nghiên cứu cũng được chia sẻ rộng rãi hơn.
Tuy nhiên, chúng ta cũng không thể phủ nhận rằng, việc sử dụng tài nguyên giáo dục mở hiện nay vẫn còn gặp phải rất nhiều thách thức và trở ngại. Có thể kể đến những thách thức như: Thách thức về pháp lý và đạo đức, thách thức về kỹ thuật và cơ sở hạ tầng, thách thức về văn hóa và ngôn ngữ,…
Tìm kiếm tài nguyên giáo dục mở ở đâu?
Hiện nay có rất nhiều công cụ giúp hỗ trợ tìm kiếm OER. Dưới đây là 4 công cụ được sử dụng phổ biến nhất.
Google Advanced Search
Đây là công cụ tìm kiếm nâng cao của Google. Nó cho phép bạn lọc kết quả theo quyền sử dụng thay vì theo các loại giấy phép. Bạn có thể truy cập Google Advanced Search theo 2 cách sau:
Cách 1: Truy cập vào trang tìm kiếm của Google -> Chọn Cài đặt -> Chọn tìm kiếm nâng cao
Cách 2: Truy cập vào đường link sau: https://www.google.com/advanced_search
Internet Archive Scholar
Đây là nơi truy cập hàng triệu tài liệu, bài báo, video, phần mềm,… hoàn toàn miễn phí và bạn có thể tìm kiếm theo nhiều cách khác nhau. Đặc biệt, sau khi hiện kết quả tìm kiếm, bạn cũng có thể thu hẹp phạm vi tài liệu xuất hiện bằng cách sử dụng các lệnh sắp xếp (Sort).
OER Commons
OER Commons là nơi chứa hàng chục nghìn tài nguyên giáo dục mở bao gồm: bài tập, thí nghiệm, bộ dữ liệu, bảng biểu hay thậm chí là giáo án, sách giáo khoa hoặc cả một khóa học nào đó. Mục tiêu mà OER Commons hướng đến đó là thúc đẩy sự khám phá, sáng tạo và cộng tác giữa các nhà giáo trên toàn thế giới với nhau để cải thiện chương trình giảng dạy.
Openverse
Openverse, hay còn được gọi là CC Search, nó là một phần dự án nguồn mở của WordPress. Đây là nơi cung cấp một thư viện hình ảnh và nội dung khổng lồ. Tuy nhiên, tất cả nội dung ở đây đều được cấp phép Creative Commons hoặc thuộc miền công cộng.
Ngoài ra, người dùng cũng có thể tìm kiếm các OER bằng một số công cụ khác như: Citizendium, Common Spaces, OpenStax,…
Trong tương lai, sự phát triển và ứng dụng OER vào công cuộc giảng dạy và nghiên cứu sẽ càng mạnh mẽ hơn nữa. Thiết nghĩ, mỗi người cần sớm nắm vững những thông tin liên quan đến OER để có thể bắt kịp xu hướng và tiếp thu nhiều kiến thức rộng hơn nữa.
Những kiến thức đầy đủ hơn về OER sẽ được đề cập trong cuốn sách: “Giáo dục và khoa học mở – Cẩm nang hướng dẫn dành cho giảng viên và nhà nghiên cứu”.
Bạn có thể tìm mua sách tại đây.