Gần đây, những vụ bạo lực học đường tràn lan trên mạng xã hội và những hậu quả đau đớn để lại trong nạn nhân đã làm dậy sóng dư luận. Làm thế nào để ngăn chặn bạo lực học đường? Hãy cùng IPER tìm hiểu về ứng dụng của các biện pháp can thiệp tâm lý học giáo dục vào công tác ngăn chặn bạo lực học đường nhé.
Những con số biết nói
Bạo lực học đường đã và đang trở thành một vấn nạn toàn cầu. Một nghiên cứu ở 40 quốc gia đang phát triển cho thấy trung bình 42% bé trai và 37% bé gái bị bắt nạt. Theo Liên hợp quốc, hàng năm có 246 triệu bé gái và bé trai bị bạo lực ở trường học trên toàn thế giới. Ở Việt Nam bạo lực học đường đang là một vấn đề nóng vì tính chất và mức độ nghiêm trọng ngày càng tăng cao. Tại Hội nghị đánh giá về công tác phòng, chống bạo lực học đường tổ chức năm 2022, số liệu tổng hợp từ báo cáo của 49/63 tỉnh, thành phố cho biết trong 5 năm học từ 2017-2022, tổng số vụ việc bạo lực học đường xảy ra là 2.624 vụ, với 7.209 đối tượng có liên quan. Chúng ta cần làm gì để giảm thiểu những con số này đáng báo động này?
Các giải pháp ngăn chặn bạo lực học đường
Đối mặt với thực trạng đó, một số biện pháp về tâm lý học đã được đưa ra và triển khai để giảm thiểu những ảnh hưởng xấu của bạo lực học đường lên môi trường giáo dục:
Chú ý giáo dục học sinh qua ngoại khóa và trong nhà trường
Xây dựng và đưa các chương trình ngoại khóa, Chương trình Giáo dục nhân cách vào lịch giảng dạy, thành một chương trình riêng, có thời gian học cụ thể, song hành với những chương trình học thuật khác trong môi trường học đường. Học sinh sẽ có cơ hội tham gia hoạt động nhóm, được thực hành các kỹ năng để tìm hiểu về điểm mạnh mà mình đang có. Qua sự điều hướng của giáo viên, học sinh có cơ hội chia sẻ về bản thân mình, hiểu hơn tâm lý của chính mình, hiểu những điểm mạnh mà mình đang sở hữu.
Hơn nữa, trong quá trình học tập tại trường, học sinh sẽ được dạy thêm về những kiến thức, thông tin về bạo lực học đường như cách nhận định và phòng tránh. Quá trình giáo dục nhân cách trong nhà trường cũng đảm bảo những học sinh cũng sẽ hình thành thói quen nhìn nhận và đánh giá người khách đa chiều, bao dung và hợp tác hơn. Điều này làm giảm khả năng xảy ra mâu thuẫn giữa học sinh trong các lớp nói riêng, và trong học đường nói chung.
Hiện nay, trong chương trình giáo dục ở các cấp cũng quan tâm nhiều đến chủ đề nâng cao nhận thức học sinh về bắt nạt học đường. Trong sách Giáo dục công dân 7 bộ Cánh diều, học sinh được yêu cầu nhận định về biểu hiện của bắt nạt học đường, trả lời các câu hỏi tình huống, sau đó vận dụng vào việc tuyên truyền phòng chống bạo lực học đường cũng như kể lại một trải nghiệm bản thân. Ở bài học tiếp theo, sách cung cấp cho học sinh cái nhìn toàn cảnh về các luật phòng chống bạo lực học đường, biết các ứng phó với các hành vi bạo lực học đường xung quanh và phê phán đấu tranh chống lại các hành vi đó.
Ngoài việc lồng ghép vào chương trình học chính khóa, các cơ sở giáo dục đang linh hoạt tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa nhằm nâng cao nhận thức cho học sinh. Tại trường THPT Thái Lão, tỉnh Nghệ An đã xây dựng hoạt động minigame với chủ đề bạo lực học đường, ở một số trường công lập cũng có tổ chức những hoạt động như mời các diễn giả là công an, nhà tâm lý học… về để chia sẻ thêm thông tin xoay quanh vấn đề bạo lực học đường. Vừa qua, đại úy Đặng Nữ Hoàng Hạnh – Chủ tịch Hội Phụ nữ cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Nghệ An, đã có một buổi trao đổi với các học sinh tại địa phương để các em hiểu thêm những kiến thức về bạo lực học đường và cách ngăn chặn nó. Tại buổi trao đổi này, học sinh có thể nói lên ý kiến, quan điểm cũng như những đánh giá của mình về bạo lực học đường, đồng thời học hỏi được những kiến thức mới để có thể nhận định đúng vấn đề của bản thân cũng như những người xung quanh đang gặp phải.
Tổ chức đào tạo cho phụ huynh và giáo viên
Để giảm khả năng xảy ra nạn bạo lực học đường, bên cạnh giáo viên và các chuyên gia tham vấn tâm lý, phụ huynh và giáo viên cũng là nhân tố quan trọng. Trong tâm lý học đường, có thể áp dụng phương pháp can thiệp bằng xây dựng điểm mạnh nhân cách để giúp cả phụ huynh và giáo viên có cơ hội tham gia vào việc hình thành nhân cách ở trẻ. Chương trình giáo dục nhân cách này luôn bao gồm phần đưa Giáo dục nhân cách thành một nét văn hóa của nhà trường, gia đình và là một hoạt động thường ngày, kết hợp với phần đưa Giáo dục nhân cách vào chương trình giảng dạy đã nêu ra phía trên.
Giáo viên cần được đào tạo để có thể can thiệp đúng mực vào những hành động bạo lực học đường, họ cũng cần học thêm những khóa đào tạo về tâm lý học đường để có thể nhìn nhận và giải quyết được các vấn đề đó. Ngoài môi trường trường học, cũng có thể tổ chức các hội thảo trực tuyến hoặc xuất bản một số tài liệu giúp đỡ phụ huynh nhận diện những vấn đề tâm lý ở con cái của mình từ sớm, để đưa ra các giải pháp nhằm giúp đỡ, giảm thiểu ảnh hưởng xấu của những vấn đề tại trường lớp lên học sinh, sinh viên.
Một hành động ngăn chặn bạo lực học đường được triển khai ở phạm vi rộng có thể kể đến là “Bộ công cụ hướng dẫn xây dựng các mối quan hệ tôn trọng và bình đẳng trong trường học” ( ‘Connect with Respect’ toolkit) được Liên hợp quốc phát hành trong các trường học trên toàn châu Á – Thái Bình Dương. Bộ công cụ với sự góp mặt của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ChildFund Việt Nam và Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho Phụ nữ (UN Women), bộ công cụ này đã được điều chỉnh cho phù hợp với bối cảnh nước ta được ra mắt vào năm 2019. Bộ công cụ cung cấp cho giáo viên những thông tin về các hoạt động và các buổi học tương tác, hỗ trợ giáo viên trung học cơ sở trong việc xây dựng và phát triển những nội dung về phòng chống bạo lực học đường.
Tăng cường vai trò tham vấn tâm lý học đường
Tham vấn tâm lý học đường là một khía cạnh quan trọng của tâm lý học trong nhà trường. Những chuyên gia tư vấn tâm lý học đường cần được đào tạo một cách chuyên nghiệp và bài bản, luôn sẵn sàng lắng nghe và giúp đỡ cả học sinh bạo lực học đường và học sinh bị bạo lực học đường. Cần có những hiểu biết sâu sắc về tâm lý lứa tuổi và môi trường xung quanh để những tư vấn trở nên hiệu quả nhất, và quá trình nói chuyện với học sinh sinh viên cũng trở nên dễ dàng cởi mở hơn.
Vai trò của tham vấn tâm lý trong nhà trường hiện nay còn chưa được coi trọng, nhưng với mức phát triển nhanh chóng của kinh tế và xã hội, việc chú trọng vào tham vấn tâm lý ngay từ sớm có thể tìm kiếm và giải quyết các vấn đề trong nhà trường từ sớm, đó chính là nền tảng để xây dựng một trường học hạnh phúc.
Trên thực tế, vào ngày 31/08/2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra văn bản số 4252/BGDĐT-GDCTHSSV thông tin về việc triển khai hỗ trợ, tư vấn tâm lý cho học sinh phổ thông. Bên cạnh đó, Bộ và các Sở Giáo dục cũng liên tục tổ chức tập huấn cho đội ngũ giáo viên, đồng thời xem xét lại các chính sách, đẩy nhanh việc đưa nhân viên tư vấn học đường thành cán bộ công chức nhà trường.
Trên đây là 3 biện pháp mà IPER đề xuất về ngăn chặn bạo lực học đường bằng việc sử dụng các phương pháp tâm lý học, còn bạn? Quan điểm của bạn về việc ứng dụng tâm lý học vào giải quyết bạo lực học đường như thế nào?
Content by Trương Thị Khánh Thư