Ngày 13/04/2024, tại Biblio Book Cafe – 79 Ngụy Như Kon Tum, Thanh Xuân, Hà Nội; Trung tâm Nghiên cứu Xuất bản và Giáo dục IPER đã tổ chức sự kiện ra mắt bộ sách “CẨM NANG GIÁO DỤC MẦM NON: STEINER, HIGH/SCOPE VÀ REGGIO”.
Tham gia sự kiện có TS. Phạm Thị Thu – Trưởng bộ môn, Khoa Giáo dục Mầm Non, Trường Cao đẳng Sư phạm Trung Ương; dịch giả Hoàng Diệp Trinh – Dịch giả của cuốn sách “Cẩm nang Giáo dục Mầm non theo cách tiếp cận High/Scope”; cô Nguyễn Thị Thu Trang – nhà sáng lập của 2 trường Mầm non Làng Hạnh phúc và Mầm non Cỏ Lạc; ông Trịnh Minh Tuấn – Giám đốc Trung tâm Xuất bản và Giáo dục IPER cùng các bậc phụ huynh và thầy cô hiện đang công tác và làm việc tại các trường mầm non hiện nay.
Phần 1: Giới thiệu bộ sách: “Cẩm nang giáo dục mầm non: Steiner, High/Scope và Reggio”
Mở đầu sự kiện, ông Trịnh Minh Tuấn đã lên phát biểu về lý do xuất bản bộ sách “Cẩm nang giáo dục mầm non: Steiner, High/Scope và Reggio”. Ông cho biết khi ông nói chuyện với TS. Phạm Hiệp và ông Dương Trọng Tấn – Viện phát triển Giáo dục Khai phòng Libero thì cả 3 đều nhất trí rằng, trong chương trình giáo dục các cấp thì Giáo dục Mầm non là quá trình hội nhập quốc tế nhanh nhất, sâu rộng nhất và tính cầu thị của các thầy cô, chủ trường cũng mạnh mẽ nhất. Từ đó ông Trịnh Minh Tuấn quyết định phát triển Tủ sách Giáo dục mầm non. Lúc bấy giờ mới chỉ có 1 cuốn là “Thực hành Giáo dục nhân cách” trở nên lớn mạnh mà ngang bằng với Tủ sách giáo dục Đại học và Tủ sách Giáo dục phổ thông.
Ngoài ra, giám đốc Trịnh Minh Tuấn cũng chia sẻ rằng, khi nói chuyện với Giám đốc Xuất bản của PSP thì ông nghe nhắc đến Frobal và từ đó cũng bắt đầu cho sự tò mò và tìm hiểu về các chương trình giáo dục tiên tiến trên thế giới, đặt nền móng cho ý định xuất bản bộ sách này.
Sau đó, cô Nguyễn Thị Thùy Dung – dịch giả của cuốn “Cẩm nang Giáo dục Mầm non theo cách tiếp cận Reggio, chia sẻ về lý do trở thành dịch giả của bộ sách này. Cô cho biết chuyên môn của cô có vẻ không liên quan lắm, vì cô là giảng viên môn Ngoại ngữ Tiếng Anh, trường Đại học Bách Khoa Hà Nội. Tuy nhiên, cô đã trở thành mẹ của một đứa trẻ và đã từng giảng dạy cho lứa tuổi mầm non. Vì vậy, cô cảm nhận được rất nhiều cảm xúc tích cực mà bộ sách mang lại trong quá trình dịch sách.
Phần 2: Tọa đàm “Giáo dục Mầm non theo các cách tiếp cận Steiner Waldorf, High/Scope và Reggio”
Mở đầu tọa đàm là những chia sẻ của cô Nguyễn Thị Thu Trang về lý do cô lựa chọn cách tiếp cận Steiner Waldorf áp dụng vào 2 trường mầm non của mình. Cô nói rằng, với vai trò là một người mẹ, cô mong muốn tìm cho con mình một môi trường giáo dục có thể giúp con phát triển toàn diện. Theo quan điểm của cô, một trường mầm non đạt chuẩn là khi đáp ứng được các tiêu chí: (1) Hiểu được sự phát triển của trẻ; (2) Tạo ra được môi trường ấm áp và an toàn cho đứa trẻ; (3) Người giáo viên phải là một tấm gương sáng để đứa trẻ được bắt chước, noi theo. Và tất cả những điều đó cô nhìn thấy rõ nhất ở cách tiếp cận Steiner Waldorf.
Tiếp theo chương trình, TS. Nguyễn Thị Thu đã khái quát ngắn gọn về các đặc trưng cơ bản về 3 cách tiếp cận. Cả 3 cách tiếp cận đều nằm trong phong trào Giáo dục mới trên thế giới. Điểm chung thứ nhất của các phương pháp đó là chuyển vị trí của đứa trẻ vào vị trí trung tâm của chương trình giáo dục. Điểm chung thứ hai đó là đều coi trọng quá trình hơn là kết quả. Điều này đi rất đúng với định hướng chung của giáo dục ở Việt Nam.
Với cách tiếp cận High/Scope, cô Thu cho rằng, nó chưa phổ biến như hai cách tiếp cận còn lại; một phần do nó không truyền thông nhiều, một phần vì xuất phát từ Mỹ và nó ra đời muộn hơn so với các cách tiếp cận khác. Đây cũng là lý do mà tại Việt Nam, chưa nhiều người vẫn chưa biết đến cách tiếp cận này.
Dịch giả Hoàng Diệp Trinh cũng đồng ý với quan điểm như trên. Đồng thời cô cũng chia sẻ để mọi người hiểu hơn về phương pháp tiếp cận này. Cô nhấn mạnh rằng, trong High/Scope có Bánh xe học tập High/Scope là điểm đặc biệt. Trung tâm của bánh xe là học tập chủ động. High/Scope cũng rất chú trọng giữa người lớn và trẻ em. Việc chia quyền kiểm soát trong High/Scope giúp bố mẹ, thầy cô trở thành người đồng hành cùng con thay vì kiểm soát con.
Tiếp nối chương trình, cô Nguyễn Thị Thu Trang bày tỏ quan điểm và giới thiệu ngắn gọn về cách tiếp cận Steiner Waldorf. Khi chia sẻ về những khó khăn khi thực hiện và phát triển cách tiếp cận Steiner, cô Nguyễn Thị Thu Trang đã chia sẻ rằng: Điều đó đến từ việc các bậc phụ huynh thấy rằng Trường có ít trang thiết bị hiện đại, trường không đào tạo tiếng Anh,… Hay là việc trẻ bị kích thích quá nhiều từ công nghệ thông tin và thể hiện ra các trò chơi mà trò chơi đó không xuất phát từ bên trong của trẻ. Đồng thời với các cô giáo trong môi trường Steiner, các cô cũng phải luôn trau dồi, suy nghĩ để trở thành tấm gương sáng cho các con.
Sau đó, chị Hoàng Diệp Trinh cũng phân tích tổng quan về sự khác nhau giữa 3 trường học theo 3 hướng tiếp cận khác nhau. Từ đó, chị nhấn mạnh rằng, việc lựa chọn trường mầm non theo cách tiếp cận nào là tùy thuộc vào mong muốn của từng bố mẹ và sự nhất quán giữa cách giáo dục khi ở nhà và cách giáo dục khi ở trường.
Phần 3: Giao lưu giữa diễn giả với khách mời
Khi bắt đầu cho thời gian giao lưu, hỏi – đáp giữa diễn giả và khách mời, một khán giả đặt câu hỏi, mong muốn được giải đáp rõ hơn về quá trình cũng như cách thức triển khai của chương trình giáo dục mầm non của Việt Nam. Trả lời cho câu hỏi này, TS. Phạm Thị Thu đã chia sẻ một số thông tin về chương trình giáo dục mầm non hiện nay của Việt Nam. Cô cho biết rằng, khung chương trình hiện tại được bắt đầu từ năm 2009 và đến nay vẫn đang trong quá trình cải tiến và đổi mới sang một chương trình mới. Chương trình năm 2009 có nội dung, kết quả mong đợi đối với các lứa tuổi khác nhau. Chương trình mới sẽ được ban hành năm 2028, mở rộng thêm lĩnh vực nghệ thuật và trọng tâm là sẽ cởi mở, linh hoạt, trao quyền cho từng giáo viên, địa phương trong việc giáo dục trẻ miễn sao trước khi vào lớp 1, các con đạt được một số tiêu chuẩn nhất định. Và khó khăn đối với chương trình giáo dục mầm non hiện nay đó là nằm ở việc mỗi cơ sở giáo dục cần làm sao để các con đạt được các tiêu chuẩn đầu ra.
Khi nhắc đến cách tiếp cận Steiner, cô Phạm Thị Thu đã chỉ ra một điểm thú vị đó là phương pháp Steiner chú trọng tới việc xây dựng ở những đứa trẻ từ 0 – 7 tuổi một thái độ tích cực đối với cuộc sống, nuôi dưỡng ý chí trong mỗi đứa trẻ. Họ sẽ cho các bé hiểu được rằng thế giới này là một thế giới đáng sống. Giải thích vì sao màu hồng là tone màu chủ đạo của phương pháp giáo dục Steiner, cô Nguyễn Thị Thu Trang chia sẻ rằng, không phải bất kỳ trường học theo hướng tiếp cận Steiner đều phải theo màu hồng mà đơn giản là vì sống trong bầu không khí màu hồng các con sẽ cảm thấy an toàn, an yên hơn.
Đến với câu hỏi tiếp theo, chị Vũ Thúy Hoàn – Giảng viên của Trường Đại học Thủ đô Hà Nội đã chia sẻ về ý hiểu của mình rằng, dù đối với cách tiếp cận nào thì cũng đều sẽ bám sát vào chương trình giáo dục của Bộ. Đó là lý thuyết cơ sở, là các tiêu chuẩn đầu ra mà bất kỳ trường học nào cũng cần phải đạt được. Còn các cách tiếp cận chính là phương tiện để thực hiện và đạt được những điều đó.
Tiếp nối hoạt động giao lưu, cô Trương Thị Kim Oanh đã chia sẻ thêm về lịch sử phát triển của chương trình giáo dục mầm non. Trước năm 1980, Giáo dục mầm non chưa phát triển, người ta mới chỉ nhắc đến giáo dục mầm non với một số thuật ngữ như: “Con nuôi của ngành giáo dục”, “Tiểu học hóa mầm non”. Từ năm 1978 – năm 1984, một chương trình đổi mới giáo dục mầm non được thực hiện và bắt đầu thực nghiệm từ năm 1984. Và đến năm 2000 bắt đầu thực hiện chương trình cải cách và được thực nghiệm vào năm 2005. Đến năm 2009, tiếp tục thực hiện đổi mới giáo dục mầm non và đang duy trì chương trình đổi mới đó đến hiện tại. Sắp tới đến năm 2028 sẽ bắt đầu áp dụng chương trình mới trong giáo dục mầm non, chương trình này được biên soạn từ năm 2020 và sẽ bắt đầu thử nghiệm vào năm học 2024 – 2025. Đó là lịch sử phát triển của giáo dục mầm non mà cô Oanh chia sẻ.
Đến với một khán giả tiếp theo, với góc độ là một phụ huynh sắp tới sẽ cho con theo học ở trường theo phương pháp tiếp cận Reggio, chị muốn hỏi rằng: “Với phương pháp tiếp cận Reggio thì bố mẹ có thể đồng hành cùng con như thế nào khi ở nhà?” và “Phương pháp Reggio có bị hạn chế trong việc các con tham gia các hoạt động cần độ chính xác cao hay không?”.
Trả lời cho câu hỏi thứ nhất, TS. Phạm Thị Thu đã chia sẻ rằng, Khi cho con theo học tại trường Reggio, các phụ huynh sẽ được Nhà trường thống nhất về một số vấn đề cho con và trong trường Reggio, các hoạt động học tập vui chơi hằng ngày của trẻ sẽ được lưu trữ, ghi chép vào trong Hồ sơ quan sát trẻ. Giáo viên sẽ liên tục cập nhật tình hình hằng ngày của con cũng như có đề xuất một số ý kiến cho phụ huynh của trẻ. Giải đáp thắc mắc ở câu hỏi thứ hai, cô Thu đã nhấn mạnh rằng: “Coi trọng sự sáng tạo không có nghĩa là đứa trẻ không có kỷ luật.” Trong lớp học Reggio cũng vẫn có kỷ luật cho con, đảm bảo cho con vừa duy trì tính sáng tạo vừa có tính kỷ luật.
Tiếp theo chương trình, MC Trần Anh Đức có đặt một câu hỏi về các thách thức cũng như rào cản đối với các cách tiếp cận khi áp dụng tại các trường học ở Việt Nam là gì. Lần lượt 3 vị diễn giả và dịch giả đã chia sẻ những quan điểm của mình.
Phạm Thị Thu nói rằng, bất kỳ một cái gì cũng đều có rào cản riêng và các cách tiếp cận này cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, không có nghĩa là có nhiều thách thức, trở ngại mà nó lại không phát triển. Tại Việt Nam, những phương pháp giáo dục tiên tiến vẫn đang phát triển. Các trường học lựa chọn cách tiếp cận phù hợp để đi đến “kết quả mong đợi” cuối cùng.
Theo quan điểm của dịch giả Hoàng Diệp Trinh, hiện nay, Bộ Giáo dục cũng rất cởi mở cho các trường mầm non khi đưa ra các hướng dẫn và nhiệm vụ của các trường đó là lựa chọn hướng tiếp cận như thế nào để đều có thể hướng đến “kết quả mong đợi”. Thứ hai, Giáo dục là lĩnh vực mà Việt Nam rất chú trọng. Nó vẫn đang được cải tiến mỗi ngày. Chừng nào vẫn còn những cuộc thảo luận về các khúc mắc, tranh cãi thì lúc đó vẫn sẽ còn có cơ hội phát triển.
Còn cô Nguyễn Thị Thu Trang chia sẻ rằng, các cách tiếp cận từ nước ngoài khi được đưa vào áp dụng tại các trường học ở Việt Nam sẽ không phải là Copy nguyên bản mà nó sẽ được đọc, hiểu và chuyển hóa sao cho phù hợp với văn hóa và môi trường sống ở Việt Nam. Các cách tiếp cận dù khác nhau nhưng đều hướng đến việc đạt được “kết quả mong đợi” cho trẻ. Vì vậy, tùy vào từng mong muốn của phụ huynh mà mỗi cách tiếp cận đều phục vụ cho từng đối tượng khác nhau và cùng nhau phát triển.
Tiếp tục chương trình, anh Nguyễn Tuấn Anh – Chủ cơ sở trường Mầm non Hàn Quốc tại thành phố Bắc Ninh muốn hỏi rằng: “Phương pháp Froebel và phương pháp Gabe có phải là một hay không?” Trả lời cho câu hỏi này, cô Phạm Thị Thu đã khẳng định rằng, giữa hai cách tiếp cận này có một khoảng cách rất xa.
Một khán giả tiếp theo đã đặt câu hỏi cho các diễn giả rằng, với các cách tiếp cận này đã có những tài liệu nào đánh giá, hay có những kết quả nào liên quan đến các phương pháp giáo dục này hay không? Liên quan đến câu hỏi này, Chị Thu chia sẻ: “Trong ba cách tiếp cận này, Phương pháp High/Scope có bảng đánh giá đo lường cụ thể. Còn trong Steiner hay Reggio hiện tại thì chưa. Nhưng thay vào đó, nó có một số tiêu chí cần đạt được trước khi trẻ vào Tiểu học.”
Kết thúc chương trình là món quà nhỏ thay lời cảm ơn mà IPER gửi đến 3 vị Diễn giả và khách mời. Thông qua buổi Tọa đàm, các bậc phụ huynh cũng như các nhà giáo dục mầm non đã có những cái nhìn sâu sắc và bao quát hơn đối với 3 cách tiếp cận tiên tiến này.