Đánh giá bài viết này

Một trong những phương pháp tiên tiến trong chương trình giáo dục mầm non hiện nay phải kể đến đó là phương pháp High/Scope. Đây là cách tiếp cận không thể thiếu trong quá trình nuôi dạy đứa trẻ tự chủ. Trong High/Scope có một công cụ được nhắc đến thường xuyên và áp dụng phổ biến được gọi là bánh xe học tập High/Scope. Bài viết dưới đây chúng ta sẽ cùng tìm hiểu chi tiết để biết xem bánh xe học tập High/Scope là gì và nó được ứng dụng như thế nào trong thực tiễn nhé.

Phương pháp giáo dục High/Scope có nghĩa là gì?

High (Cao) = mức độ thành tích cá nhân mà chúng ta mong muốn tất cả trẻ em do mình chăm sóc đều có thể đạt được.
Scope (Phạm vi) = phạm vi trải nghiệm mà chúng ta có thể cung cấp cho trẻ để hỗ trợ trẻ đạt được mức “high” – mức độ cao trong thành tích cá nhân.

Chương trình giảng dạy High/Scope được thiết kế độc đáo để cung cấp một nền tảng học thuật phong phú đồng thời thúc đẩy sự độc lập, ra quyết định, hợp tác, sáng tạo và giải quyết vấn đề ở trẻ nhỏ.

Cách tiếp cận High/Scope tuân theo năm nguyên tắc cơ bản đặt nền tảng cho hoạt động thực hành. Điều này được minh họa bằng bánh xe học tập – công cụ hỗ trợ các nhà thực hành trong việc sử dụng phương pháp này với trẻ em. Sau đây hãy cùng tìm hiểu chi tiết hơn về 5 nguyên tắc trong Bánh xe học tập High/Scope nhé.

Bánh xe học tập High/Scope

banh xe hoc tap high scope cho tre nha tre 1

Học tập chủ động

Đó là cách trẻ học – một cách chủ động! Trẻ tự tìm hiểu cách mọi thứ diễn ra qua các giác quan của bản thân. Trẻ chủ động khám phá và tìm kiếm câu trả lời cho các câu hỏi. Các cô giáo có vai trò hỗ trợ để trẻ tự giải quyết vấn đề và sử dụng sự hiểu biết đang lớn dần để tìm hiểu cũng như học hỏi từ thế giới xung quanh.

“Các chỉ báo phát triển quan trọng” minh họa những điều mà trẻ em ở mọi độ tuổi và trình độ năng lực đều có thể làm được, cũng như cách trẻ học hỏi và thấu hiểu thế giới xung quanh. Chúng được các giáo viên theo cách tiếp cận High/Scope sử dụng để ghi lại những quan sát về trẻ tại trường và được chia thành năm loại: Phương pháp tiếp cận học tập; Năng lực ngôn ngữ, đọc viết và giao tiếp; Phát triển cảm xúc và tương tác xã hội; Phát triển thể chất, sức khoẻ và hạnh phúc; và Nghệ thuật và khoa học. Các chỉ báo này được coi là nền tảng của tư duy và lập luận ở mỗi giai đoạn phát triển.

Tương tác giữa người lớn va trẻ

Người lớn hợp tác với trẻ nhỏ để cung cấp một môi trường an toàn cần thiết cho việc học tập chủ động. Trong môi trường giáo dục High/Scope, người lớn và trẻ em sử dụng quy trình chia sẻ sự kiểm soát để phối hợp trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau, tập trung vào thế mạnh của trẻ và cân bằng các hoạt động do người lớn điều hành với các hoạt động do trẻ khởi xướng. Người lớn đóng vai trò hỗ trợ việc học tập và kết nối hoàn toàn với trẻ trong thế giới “của các bé”.

Các nhà thực hành trong môi trường giáo dục High/Scope thường khuyến khích rằng, thay vì khen ngợi thì hãy nhận xét cụ thể về hành động của trẻ. Và xung đột cũng được coi là một cơ hội để học tập. Các nghiên cứu đã chỉ ra:
“… Hành động khen ngợi… mời gọi sự so sánh và cạnh tranh, đồng thời khiến trẻ bị phụ thuộc nhiều hơn vào người lớn. Ngược lại, hành động khuyến khích sẽ giúp trẻ nắm quyền kiểm soát và khiến các bé trở thành người đánh giá công việc của chính mình.”
(Tomkins, 1991, trong tuyển tập của Hohmann và Weikart, 2002: 242)

Môi trường học tập

Mọi môi trường giáo dục mầm non đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thiết lập môi trường vui chơi. Trong môi trường giáo dục High/Scope, (các) phòng học sẽ được chia thành nhiều khu vực để hỗ trợ các lựa chọn và sở thích của trẻ. Chúng giúp trẻ dễ dàng tiếp cận với nhiều loại học liệu nhân tạo và tự nhiên để hỗ trợ các bé học tập độc lập.

Khi đã biết phải tìm một món đồ ở đâu, trẻ có thể tự lấy nó và tự tin vào khả năng của mình. Môi trường học tập giúp các bé có đủ quyền lực để giải quyết vấn đề của chính mình với rất ít sự hỗ trợ của người lớn. Đó là một trong những lí do mà ngày càng có nhiều phụ huynh cho con nhập học một nhà trẻ High/Scope thay vì trường mầm non trên địa bàn.

Lịch sinh hoạt hằng ngày

Lịch sinh hoạt trong cách tiếp cận High/Scope rất nhất quán. Điều này giúp bảo đảm trẻ dự đoán được hoạt động tiếp theo và có thể lập thời gian biểu chính xác. Trẻ có cơ hội để làm việc một mình trong quá trình “lập kế hoạch/thực hiện/đánh giá” cũng như làm việc theo nhóm nhỏ và nhóm lớn, từ đó khuyến khích trẻ xây dựng một cộng đồng phù hợp với mình. Đối với mỗi nhóm, lịch sinh hoạt hằng ngày thường kéo dài khoảng 2 tiếng rưỡi với các hoạt động bao gồm:

Đón trẻ đầu ngày: Tạo ra sự chuyển tiếp nhịp nhàng giữa gia đình và trường/nhà trẻ.

Hoạt động nhóm lớn: Trẻ và người lớn tập trung lại để chia sẻ thông tin về ngày/buổi đó, kể chuyện, chơi các trò chơi theo nhóm, ca hát, nhảy múa và chơi nhạc cụ.

Hoạt động nhóm nhỏ: Do người lớn khởi xướng và giới thiệu, còn trẻ chọn cách sử dụng học liệu.

Lập kế hoạch: Trẻ chỉ ra các hoạt động mà mình muốn làm trong thời gian hoạt động, những món đồ có thể sử dụng và những người có thể chơi cùng.

Hoạt động: Trẻ thực hiện kế hoạch của mình và người lớn tương tác với trẻ bằng cách mở rộng trò chơi của trẻ, khuyến khích các bé suy nghĩ, phát triển ngôn ngữ và hỗ trợ giải quyết vấn đề.

Thu dọn: Trẻ và người lớn cùng nhau cất dọn các học liệu.

Đánh giá

Hồ sơ quan sát trẻ em High/Scope được các nhà thực hành giáo dục mầm non xây dựng sẽ cung cấp một nền tảng để thể hiện sự tiến bộ cá nhân thông qua các mục tiêu học tập sớm và các cột mốc phát triển. Cha mẹ và người chăm sóc thường rất quan tâm đến những đánh giá này vì thông qua đó họ có thể biết các bé thường làm được những gì, từ đó phát triển mối quan hệ với trẻ. Kết quả là cha mẹ thường ngạc nhiên trước những gì đứa con nhỏ của mình có thể làm được.

Trong cuốn sách: “Cẩm nang giáo dục mầm non theo cách tiếp cận High/Scope”, tác giả đã chỉ ra các nội dung liên quan đến phương pháp này, trong đó có bánh xe học tập High/Scope, các bậc phụ huynh, các nhà giáo dục mầm non có thể tìm đọc để hiểu hơn và ứng dụng phương pháp này vào cuộc sống hằng ngày.

Content by Trần Thị Giang

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *