Khi cầm trên tay cuốn sách “Từng bước nhập môn Nghiên cứu Khoa học Xã hội” của tiến sĩ Phạm Hiệp và các cộng sự, tôi chợt nghĩ rằng, nếu mình còn giảng dạy ở trường đại học, đây là cuốn sách tôi nhất định giới thiệu đến rất nhiều người học, từ những người học mơ hồ một ý tưởng khám phá đến những người học đã biết tiến trình thực hiện một nghiên cứu.
Cuốn sách gồm 71 bài giảng khúc chiết được cấu trúc trong 7 phần, lần lượt hướng dẫn người đọc về:
• Phần I: hiểu về kho dữ liệu mà một người nghiên cứu có thể truy cập và sử dụng
• Phần II: những kiến thức cơ bản nhất để một ý tưởng nghiên cứu được bóc tách thành các thành tố đo lường được, đặt chúng trong những mô hình lý giải mối quan hệ
• Phần III: cách đọc bài báo khoa học hiệu quả
• Phần IV: cách viết học thuật
• Phần V: thái độ và hành vi đạo đức trong nghiên cứu
• Phần VI: những bước cụ thể để thực hiện một nghiên cứu
• Phần VII: một số hoạt động và lưu ý chuyên môn khi phát triển sự nghiệp trong lĩnh vực nghiên cứu
Từng bài giảng đều đi thẳng vào vấn đề mà người đọc quan tâm, đi kèm ví dụ minh họa dễ hiểu và đặc biệt là được thiết kế bài tập thực hành. Có những nội dung hoàn toàn tự học được, có những nội dung nên tối ưu hóa thông qua thảo luận với người nghiên cứu có kinh nghiệm hơn, hoặc được hướng dẫn trong môi trường lớp học. Vì vậy, cuốn sách này không phải là một cẩm nang cứ vậy làm theo (trừ khi người đọc đã có nền tảng sẵn rất tốt), mà là một hướng dẫn đường dài, cần tự thực hành và thảo luận, phân tích, phản biện cùng những người nghiên cứu khác, để phát triển năng lực còn mạnh mẽ hơn những gì cuốn sách gợi mở.
Đối với tôi, đây là cuốn sách sẽ có sức sống lâu dài. Người đọc chắc chắn sẽ đọc sách nhiều lần và thấy mình dần phát triển hơn. Từ những lần làm bài tập theo dạng bám sát từng bước được hướng dẫn, đến những lần tự hào khi mình đã hiểu trọn vẹn điều cuốn sách chỉ ra, và có lẽ, đến cả những giây phút hạnh phúc khi thấy được giá trị mà việc nghiên cứu trong khoa học xã hội mang lại.
Tôi tin rằng đối với những bạn đọc chọn việc nghiên cứu, khi bền bỉ và nghiêm túc học theo những hướng dẫn chuẩn mực của cuốn sách về khai thác dữ liệu, thao tác hóa khái niệm, xây dựng mô hình, tìm kiếm phương pháp tin cậy, hiệu lực, đảm bảo yếu tố đạo đức, trao đổi với phản biện, ban biên tập tạp chí, một ngày không xa, cái đích ngắn hạn mà người nghiên cứu thường hướng đến là công bố quốc tế, sẽ nằm trong tay bạn đọc.
Cá nhân tôi thường quan tâm đến những điều nhỏ bé, trong trạng thái vô định nhất. Tôi nhớ đôi lần hướng dẫn sinh viên xác định các biến nghiên cứu và đặt giả thuyết về mối quan hệ giữa chúng, nhưng bạn sinh viên lại thấy cách làm đó của khoa học làm nghèo nàn đi tham vọng khám phá vấn đề. Khi đọc đến cụm nội dung nhỏ rất cơ bản của cuốn sách: từ “khái niệm” đến “định nghĩa vận hành”, từ “định đề” đến “giả thuyết”, tôi cảm thấy được truyền cảm hứng mạnh mẽ. Nhìn lại thì tôi đã dựa trên kinh nghiệm của người biết về kĩ thuật nghiên cứu mà chưa có triết lý để đồng hành cùng những tâm hồn khát khao nghiên cứu nguyên sơ nhất. Để khám phá một định đề lớn, cần đủ sự mạch lạc và chiều sâu để thu hẹp đến mức chấp nhận được bước đi đầu tiên với những định nghĩa vận hành nhỏ bé. Một người nghiên cứu cần đủ sự kiên nhẫn để thực hiện từng nghiên cứu nhỏ như vậy, cho đến khi có lời hồi đáp cho định đề lớn ngày nào. Đôi lúc khi đọc cuốn sách này, tôi cảm thấy khâm phục những người nghiên cứu đang bền bỉ kiếm tìm từng sự thật nhỏ bé.
Vì thế, với tôi, cuốn sách “Từng bước nhập môn Nghiên cứu khoa học xã hội” không chỉ dành cho những người ấp ủ con đường nghiên cứu học thuật, mà còn dành cho bất kì ai say mê quá trình tri thức khoa học xã hội được khám phá ra.
Đặng Hoàng Ngân, tiến sĩ Tâm lý học

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *