Ngày 25.09.2021 vừa qua, IPER tổ chức thành công tọa đàm “Tìm hiểu giáo dục khai phóng: Triết lý giáo dục của tự do” với sự tham gia của diễn giả Bùi Trân Phượng. Tại sự kiện, cô Phượng đã có những góc nhìn, quan điểm sâu sắc về triết lý giáo dục nhân văn này.

Độc giả có thể theo dõi phần I của bài viết này tại link sau: https://tinyurl.com/5cp79kuv

Câu 3: Châu Âu từng là quê hương của giáo dục khai phóng cả trong tinh thần lẫn đời sống thực hành học thuật nhưng ngày nay có vẻ châu Á lại là nơi nói đến giáo dục khai phóng nhiều nhất. Cô có suy nghĩ ra sao về điều này? Đó là dịch chuyển tất yếu hay chỉ là hiện tượng nhất thời?

Tôi nghĩ rằng là, châu Á không thể nào quan tâm nhiều hơn Phương Tây được. Sở dĩ chúng ta có cảm giác đó vì trong 1 thời gian dài chúng ta không được nghe, bởi có 1 khoảng thời gian từ đó mang ý nghĩa cấm kị, hoặc mải mê chạy theo những sự phát triển khoa học. Ví dụ về triển khai nghiêm túc nhất mà tôi nghĩ là sự phát triển giáo dục khai phóng ở Singapore: Trường ĐH Singapore mời ĐH Yale đến triển khai giáo dục tại Singapore. Còn thành quả của công cuộc triển khi này chưa thực sự thuyết phục với giới học thuật toàn cầu. Do đó chúng ta phải rất thận trọng khi nói, giáo dục khai phóng đang được nói nhiều hơn ở châu Á thay vì Phương tây.

Câu 4: Khai phóng liên tưởng đến triết lý giáo dục ở Việt Nam trước năm 1975, cụ thể là: nhân bản Dân tộc khai phóng, vậy giáo dục khai phóng đã xuất hiện trong nền giáo dục Việt Nam từ trước đó hay chưa, hay này hôm nay chúng ta mới thảo luận đến câu chuyện này?

Ngày hôm nay chúng ta nói về giáo dục khai phóng thì chúng ta quy chiếu nó về dùng hệ quy chiếu giáo dục khai phóng của Hoa Kỳ. Nhưng trước đây, giáo dục cổ điển Nho giáo có tính nhân bản rất là lớn – tồn tại trong thời đại đó, nó có tính khai phóng . Tại sao lại như vậy? Trong cái thời đại mà con người ta còn tin ở trời – đất – quỷ – thần, những sức mạnh siêu nhiên có thể chi phối cuộc đời mình. Với bối cảnh như vậy, Nho giáo là triết lý nói rằng: Con người đứng giữa trời và đất, ngang hàng với thiên – địa., con người phải học làm người, tự mình khẳng định vị trí của làm người của mình – thì đó là biểu hiện của tính khai phóng. Do đó, chúng ta chưa có những nghiên cứu đúng về Nho giáo để bảo tồn nó một cách đúng mức.

Phương Tây đã đến với chúng ta không phải là từ cuộc xâm lược từ thế kỷ XIX, mà họ đến từ cuối thế kỷ XVI đầu thế kỷ XVII nhằm truyền giáo và phát triển ngoại thương. Thời điểm này đã bắt đầu có tư tưởng tự do, bình đẳng từ Thiên Chúa giáo và giao thương tự do. Cho nên, vào thời kỳ thuộc địa Pháp, nền giáo dục Nho giáo bị lụi tàn, chấm dứt khoa cử, người ta không còn tin vào các triết lý Nho giáo nữa, hàng loạt trường Việt – Pháp được mở ra, thì rõ ràng tinh thần khai phóng đó nó đã bắt đầu. Khi chúng ta đọc hồi ký của những người thời đại đó, thấy rất rõ khi họ hát bài Quốc ca Pháp là họ nghĩ đến một ngày sẽ nổi dậy chống lại thực Pháp như thế nào để giải phóng đất nước, dân tộc. Rõ ràng cái tư tưởng đó nó mạnh hơn, bất chấp ý muốn của người làm giáo dục. Cho nên, nền giáo dục miền Nam sau năm 54 là nền giáo dục của một quốc gia độc lập, đã thoát khỏi kỳ thuộc địa của thực dân Pháp.

Rất dễ hiểu rằng các nhà giáo dục ở đó đã kế thừa những tiến bộ mà chúng ta có được sau khi thoát Trung. Họ đưa ra các khẩu hiệu khai phóng – theo tôi là tinh thần khai phóng châu Âu thông qua những khẩu hiệu. Rồi đến chuyện cái đó có được thực thi trong thực tế không? Tôi cho là có, tất nhiên là có những giới hạn. Nhưng sự thật là nó đã được coi là một giá trị xã hội. Do vậy, tính dân tộc, nhân bản và khai phóng là giá trị của nền giáo dục miền Nam từ năm 55 đến năm 74, từ mầm non cho đến đại học. Nhưng tiếc thay, chúng ta lại không kế thừa được những tinh hoa đó.

Còn sau từ thập niên 70 trở đi, khi chúng ta bắt đầu có những nhà giáo dục đi tu nghiệp bên Mỹ được trải nghiệm, học tập nhiều mô hình giáo dục khác nhau, các trường Đại học cộng đồng được thành lập theo mô hình College của Mỹ,v.v.. thì đó là ảnh hưởng cụ thể của giáo dục Mỹ, còn tinh thần khai phóng thì chúng ta lại kế thừa từ nền giáo dục khác. Và cần phải hiểu rằng, không chỉ những thành phần cai trị chúng ta mang tinh thần đó đến, mà còn từ chính những nhà yêu nước trong suốt thời kỳ thuộc địa đã dùng chính vũ khí của kẻ thù để tự giải phóng mình. Tuy nhiên, do đứt gãy lịch sử nên chúng ta không thể kế thừa được tinh thần khai phóng đó.

Diễn giả – TS Bùi Trân Phượng

Câu 5: Thưa cô Phượng, việc áp dụng khai phóng trong bối cảnh Việt Nam, liệu có tạo ra xung đột với giá trị quan, nhân sinh quan trong xã hội Việt Nam hay không?

Xung đột lúc nào cũng có. Chủ nghĩa Marx đã từng nói, lịch sử là việc đấu tranh mâu thuẫn. Cái mới muốn khẳng định vị trí của mình thì đều phải trải qua các xung đột. Bây giờ chúng ta đưa những giá trị mới, những giá trị mà chúng ta tưởng rằng đó là độc quyền của phương Tây, ví dụ như: Bình đẳng, Công lý. Thế nhưng tại sao ở Việt Nam chúng ta lại không gọi tên cụ thể những giá trị đó? Bởi vì chúng ta đã hiểu và chấp nhận cái nội hàm của giá trị đó từ rất lâu rồi.

Nếu chúng ta quan niệm rằng dạy con rằng, phải dạy cho con lễ phép, khoanh tay cúi đầu, dạ vâng – thì cái hành động đó rất Nho giáo bởi nó thể hiện sự phục tùng của người dưới đối với người trên. Trong khi chào hỏi của Phương Tây là ngửa lòng bàn tay ra – thể hiện mối quan hệ hòa bình, không vũ khí. Thế nhưng nếu các bậc thầy cô, cha mẹ nghĩ rằng phát triển tư duy, nhân cách tự do của trẻ là cách tốt nhất để trang bị cho trẻ có đủ sức cạnh tranh trong xã hội ngày nay thì những mâu thuẫn giữa các giá trị mới và giá trị cũ lại được hóa giải một cách rất nhẹ nhàng, hòa bình.

 

Câu 6:  Những thách thức và cơ hội về giáo dục khai phóng tai Việt Nam, thưa cô?

Theo như trải nghiệm của tôi, GDKP bị thách thức từ năm 1975. Khi tôi đi dạy ở ĐHSP, tôi từng làm trưởng bộ môn Lịch sử, thách thức lớn nhất là tính khai phóng và tính tự do học thuật của giáo dục đại học trong khoa học xã hội . Khi tôi nhìn sang khối phổ thông, dạy học giáo điều, cứng nhắc và đang ngày càng tệ hơn trong vấn đề chạy đua thành tích. Bây giờ là cơ hội, tại sao? Tại nhiều người dần dần học ở Phương Tây đủ để biết rằng, sự tự do, độc lập của tư duy là một trong những cái thiết yếu để cắt nghĩa được sự phát triển mạnh mẽ và thành công của khoa học công nghệ, kinh tế, văn minh phương Tây. Nếu như mình không phát triển cái tự do tư duy của mỗi cá nhân, thì làm sao phát huy được tiềm năng cộng đồng và phát triển xã hội? Bởi vì nguồn lực trong thiên nhiên thì có hạn, con người khai thác cạn kiệt thì chúng ta phải quay trở lại cái mình chưa có khai thác đúng mức đó là tiềm năng con người. Vậy nên người ta hiểu rằng giáo dục khai phóng giúp phát huy hiệu quả nhất trong tiềm năng con người, và nó quan trọng trong các cuộc cạnh tranh. Đây là thời điểm mà chúng ta cho đến nhà nước đang thấy cần phải thay đổi. Khi mà hiểu như vậy thì đó chính là cơ hội.

Cơ hội tiếp theo tôi muốn nói đến ở đây chính chấm dứt tư duy ảo tưởng Việt Nam là ngoại lệ. Trước đây chúng ta thường được dạy rằng chỉ có Việt Nam là nước nhỏ, đánh đuổi được các cường quốc xâm lược, chỉ có Việt Nam mới làm được điều đó. Dần dà đến lúc mình cần phải học được rằng, không có quốc gia nào là ngoại lệ, là thành viên của một cộng đồng, sống cùng với thời đại loài người nên Việt Nam không nằm ngoài những quy luật chung. Những giá trị mà Hoa Kỳ, Tây Âu, Singapore cho đến cả Trung Quốc họ đều phải làm thì tại sao Việt Nam chúng ta lại không làm?

Thách thức thì rất nhiều. Thứ nhất là sự trì trệ, sự thiếu vắng một truyền thống lâu đời coi trọng cá nhân, và đừng để cá nhân bị vùi lấp ở dưới cộng đồng hay ở giữa cộng đồng, cái đó là cái Phương Tây có truyền thống tốt hơn chúng ta. Thứ hai là thói quen, thói quen rất ghê gớm và khó thay đổi, đặc biệt là thói quen ở người dạy nặng nề hơn người học rất nhiều.

Trong tựa sách “Biện hộ cho một nền giáo dục khai phóng” có 1 câu rất là hay trong phần giới thiệu của ông Nguyễn Xuân Xanh đó là “Di sản muôn thuở của giáo dục cổ đại để lại cho thế giới là: “Giáo dục cổ điển vẫn tiếp tục kể cho chúng ta nghe rằng, không có hình thái chính quyền nào, không có ngành tri thức nào, không có môn kỹ thuật nào, sẽ trở thành cứu cánh tự thân vĩnh viễn; bởi vì những thứ đó được tạo ra bởi con người, và được xem là để phục vụ con người, nên chúng phải luôn luôn, dù kết quả của chúng thế nào, phục tùng cách mà chúng được sử dụng cho một giá trị tối cao: nhân loại.” (Marrou).Tức muốn giáo dục thực sự khai phóng, thực sự phát huy tư duy con người,.. thì nó thách thức rất nhiều quyền lực: quyền lực chính trị; quyền lực tri thức và quyền lực công nghệ.

Về sự kiện “Tìm hiểu giáo dục khai phóng – Triết lý giáo dục của tự do”

Chương trình có sự tham gia của 2 diễn giả: TS Bùi Trân Phượng và ThS Hoàng Anh Đức.

Chương trình sẽ đi sâu bàn luận chi tiết các vấn đề sau:

⏩Khởi nguồn và khái niệm của Giáo dục khai phóng

⏩Sự khác biệt của Giáo dục khai phóng và giá trị của nó trong thời hiện đại

⏩Cách thức áp dụng triết lý Giáo dục khai phóng vào trong chương trình giảng dạy.

⏩Liên hệ hành trình triết lý Giáo dục khai phóng du nhập vào Việt Nam.

Để theo dõi lại chương trình, các bạn truy cập: https://tinyurl.com/yyw2zkth

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *