Vào tối ngày 18/06 vừa qua, IPER tổ chức thành công tọa đàm trực tuyến “Sách trong dòng chảy lịch sử toàn cầu” với sự tham gia của 2 diễn giả: TS. Vũ Đức Liêm và ThS. Trần Anh Đức. Chương trình được livestream trên 2 fanpage IPERbooks và Trung tâm Nghiên cứu Xuất bản và Giáo dục IPER.
Sách là vật phẩm văn hóa quan trọng nhất của lịch sử loài người. Sự tiến hóa của chúng song hành với tiến hóa của lịch sự nhân loại. Trong lịch sử 5000 của sách, không chỉ có việc con người tạo ra các loại thư tịch mà bản thân sự tiến hóa của sách đã tham gia thúc đẩy sự thay đổi của xã hội loài người. Và nhân dịp ra mắt tựa “Lịch sử của sách” – tác giả James Raven, IPER tổ chức tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Sách trong dòng chảy lịch sử toàn cầu’.
Tại sự kiện lần này, dựa trên câu chuyện đầy lôi cuốn về lịch sử của sách, 2 diễn giả: TS. Vũ Đức Liêm và ThS.Trần Anh Đức đã đi sâu bàn luận những vấn đề như:
• Phát minh ra sách đã làm thay đổi lịch sử nhân loại như thế nào?
• Mối quan hệ giữa tri thức trong sách với quyền lực chính trị, tôn giáo.
• In ấn hàng loạt và sự ra đời các quốc gia-dân tộc.
• Quá trình phát triển của ngành xuất bản hiện đại.
• Trình độ đọc viết trong mối quan hệ với nền xuất bản quốc gia.
• Sự biến đổi của thực hành đọc trong kỷ nguyên số hóa
TS. Vũ Đức Liêm cho rằng “Với một cuốn sách in, trước đây là ta đọc nó, là hiểu nó. Còn giờ ta đọc trên iPad, Kindle, phương tiện điện tử… nó cũng ‘đọc’ ta. Nó biết ta đọc khi nào nhanh khi nào chậm. Thậm chí khi ta đọc đến đoạn thảo nguyên tươi đẹp, chàng – nàng lãng mạn, nó biết nhịp tim của ta ra sao, huyết áp của ta thế nào… Vậy là nó biết ta nghĩ gì, thích gì, mơ tưởng gì, nó biết ‘gu’ của ta, sở thích của ta. Và ngay lập tức các công ty phát hành, xuất bản biết điều đó để tiếp thị ta” khi nhận được thắc mắc của độc giả về việc thời đại công nghệ thông tin 4.0 thì liệu sách in có bị thay thế bằng trí tuệ nhân tạo hay một thứ bộ nhớ siêu việt nào đó hay không.
Bên cạnh đó, ThS Trần Anh Đức lại có ý kiến như sau: “Sách in không thể bị thay thế trong thời 4.0 bởi nền tảng tri thức được lưu giữ trong sách in là cơ sở, nền tảng để các đế chế công nghệ xây dựng nên kho lưu trữ khổng lồ sách điện tử của mình. Đó cũng là nền tảng để con người vận dụng xây dựng nên trí tuệ nhân tạo”.
Qua buổi tọa đàm lần này, các độc giả, những người quan tâm đến lịch sử đã có cái nhìn tổng quát về lịch sử 5.000 năm của sách, đồng thời có những góc nhìn mới lạ về thư tịch,cách thực hành đọc trong thời đại công nghệ 4.0 hiện nay.
Quý vị độc giả có thể xem lại buổi tọa đàm này thông qua link sau: https://tinyurl.com/zjt7pzrp