Tài nguyên giáo dục mở đang trở thành xu hướng và là tất yếu trong nền giáo dục hiện nay. Sự phát triển của công nghệ, hội nhập toàn cầu đang đặt ra yêu cầu lớn trong việc xây dựng và ứng dụng OER vào các lĩnh vực của đời sống, đặc việc là trong công tác học tập và nghiên cứu. Bài viết dưới đây sẽ chia sẻ những thông tin tổng quan về tài nguyên giáo dục mở OER. Cùng tham khảo nhé.
Tài nguyên giáo dục mở là gì?
Tài nguyên giáo dục mở (Open Education Resources – OER), hiểu theo nghĩa rộng nhất, bao gồm tất cả những tài liệu học tập miễn phí và dễ dàng truy cập cho tất cả mọi người. Sự xuất hiện và phát triển của OER song hành với sự ra đời và phát triển của Internet và xu hướng học từ xa/E-learning của các trường đại học.
Năm 2002, tại Diễn đàn về tác động của chương trình học mở với giáo dục đại học ở các nước đang phát triển do UNESCO tổ chức, thuật ngữ OER đã chính thức được sử dụng để mô tả các nội dung mở dùng cho mục đích giáo dục. Diễn đàn đã nhất trí định nghĩa Tài nguyên giáo dục mở là “… cung cấp mở các tài nguyên giáo dục, dựa trên nền tảng công nghệ thông tin và truyền thông, mà cộng đồng người dùng có thể tham khảo, sử dụng và điều chỉnh cho các mục đích phi thương mại”.
Theo UNESCO, Tài nguyên giáo dục mở là các tài liệu dạy, học và nghiên cứu nằm trong miền công cộng (public domain) hoặc được công bố sử dụng các giấy phép sở hữu trí tuệ cho phép người khác sử dụng, phóng tác (adapt) và phân phối (distribution) miễn phí. Nói một cách dễ hiểu hơn, OER là nguồn tài nguyên truy cập miễn phí hỗ trợ cho học tập, nghiên cứu và giảng dạy thuộc mọi đối tượng, hướng đến một xã hội học tập suốt đời.
Tài nguyên giáo dục mở OER có thể là sách giáo khoa mở, tài liệu khóa học và toàn bộ khóa học, học phần, video trực tuyến, bài kiểm tra, phần mềm và bất kỳ công cụ, tài liệu hoặc kỹ thuật nào khác được sử dụng để hỗ trợ tiếp cận kiến thức. Trong sự bùng nổ của Internet và sự hội nhập phát triển không ngừng, OER sẽ ngày càng trở nên phổ biến hơn và trong tương lai gần nó sẽ là một nguồn tài nguyên không thể thiếu.
Lợi ích của các tài nguyên giáo dục mở
“Người dùng có thể làm gì với các tài nguyên giáo dục mở?” là câu hỏi được rất nhiều người quan tâm và đặt ra khi bắt đầu tiếp cận với thuật ngữ này. Đối với từng loại đối tượng tiếp cận, OER lại có một mục đích sử dụng và cách khai thác khác nhau.
Đối với sinh viên
Với sinh viên, khai thác nguồn sách giáo khoa mở giúp họ giảm được một khoản chi phí lớn trong việc mua sách giáo khoa, tài liệu truyền thống. Thực tế đã chứng minh trong hai năm đầu triển khai, dự án cung cấp sách giáo khoa mở miễn phí BCcampus Open Textbook đã giúp các sinh viên tiết kiệm hơn 350.000 USD và tới thời điểm hiện tại, con số này đã lên tới hơn 13 triệu USD. Hay dự án thay thế sách giáo khoa truyền thống ChemWiki của UCDavis trong năm đầu thực hiện đã giúp sinh viên ở bốn trường đại học tại Hoa Kỳ tiết kiệm được tổng cộng 500.000 USD.
Trong quá trình học tập, sinh viên cũng có thể tham gia vào quá trình thiết kế, sửa đổi và chia sẻ tài liệu học tập thay vì chỉ làm bài tập và nộp lại cho giảng viên, được chấm điểm và sau đó không bao giờ xem tài liệu đó nữa. Lợi ích này giúp gia tăng sự tương tác giữa giảng viên và sinh viên, đồng thời tạo cho sinh viên thói quen học tập chủ động hơn.
Đối với giảng viên
Với các giảng viên, OER sẽ giúp họ có được một phương pháp giảng dạy mới, linh hoạt hơn, hiệu quả hơn. Đó là việc giảng viên được tự do sửa đổi tài liệu như loại bỏ những nội dung không cần thiết cho bài học, thêm những nội dung do chính mình biên soạn hay kết hợp các phần khác nhau của tài liệu vào với nhau. Từ đó, giảng viên có thể đảm bảo tài liệu được điều chỉnh cho phù hợp nhất với bối cảnh của một môn học cụ thể.
Các sinh viên tại ĐH Bang Bắc Carolina đã xây dựng các video hướng dẫn về hóa học cho các sinh viên khác. Kết quả cho thấy hiệu suất học tập trong phòng thí nghiệm của các sinh viên đó tốt hơn so với các sinh viên nhận được sự hướng dẫn từ các trợ giảng.
Đối với cộng đồng
Với cộng đồng, nếu như trước đây chúng ta khó có thể tiếp cận và khai thác các tài liệu học tập hoặc nghiên cứu bên ngoài phạm vi trường đại học thì nay OER đã giúp phá bỏ những rào cản đó. Với các tài nguyên giáo dục mở, các thông tin cũng như kết quả nghiên cứu được tiếp cận và phổ biến rộng rãi hơn, đồng thời giúp các trường đại học hiện thực hóa sứ mệnh cốt lõi của họ với toàn xã hội.
Đặc trưng cơ bản của tài nguyên giáo dục mở OER
Khung định nghĩa 5R do David Wiley phát triển mô tả 5 quyền mà người dùng sở hữu đối với một tài nguyên giáo dục mở. Làm sao để biết một tài liệu trên Internet có phải là tài nguyên giáo dục mở hay không, chúng ta cần xem tài liệu đó có đầy đủ 5 quyền sau đây hay không.
- Tái sử dụng (Reuse): Quyền sử dụng lại nội dung ở dạng nguyên văn/không thay đổi.
- Tái sửa đổi (Revise): Quyền điều chỉnh, sửa đổi hoặc thay đổi nội dung.
- Tái kết hợp (Remix): Quyền kết hợp nội dung gốc hoặc nội dung đã sửa đổi với nội dung khác để tạo ra nội dung mới.
- Tái phân phối (Redistribution): Quyền tạo và chia sẻ các bản sao của nội dung gốc, bản sửa đổi nội dung hoặc bản phối lại nội dung với những người khác.
- Tái tạo và lưu giữ (Retain): Tái tạo, sở hữu và kiểm soát các bản sao nội dung.

Thực trạng tài nguyên giáo dục mở OER tại Việt Nam
Tại Việt Nam, nhận thức về tài nguyên giáo dục mở đã ngày càng rõ ràng và mọi người đã dần hiểu được tầm quan trọng của OER hơn. Minh chứng đó là mới đây, ngày 25 tháng 9 năm 2023, Thủ tướng đã ban hành Quyết định số 1117/QĐ-TTG phê duyệt Chương trình xây dựng mô hình nguồn tài nguyên giáo dục mở trong giáo dục Đại học. Cũng vào tháng 10/2023, Chính phủ chính thức công bố một cổng dữ liệu mở thuộc quyền sở hữu của Việt Nam giao cho Bộ Khoa học Công nghệ và Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý. Mọi người có thể truy cập vào: https://openscience.vn/ để tìm hiểu thêm thông tin. Những sự kiện này sẽ góp phần khẳng định sự ghi nhận tầm quan trọng của OER đối với toàn ngành giáo dục nói riêng và toàn xã hội nói chung.
Ngoài ra, các trường Đại học cũng đang tích cực xây dựng và phát triển một kho tài liệu mở để phục vụ cho công tác học tập, giảng dạy của giảng viên và sinh viên trong trường. Điều này đã mang lại cho sinh viên một “thư viện mở” với đa dạng tài liệu, hỗ trợ tốt cho công tác học tập và nghiên cứu.
Có cái nhìn toàn diện và đầy đủ về tài nguyên giáo dục mở OER là điều cần thiết để có thể khai thác và sử dụng chúng một cách tối đa và hiệu quả. Trên đây chỉ là những thông tin tổng quan về tài nguyên giáo dục mở và các lợi ích của nó. Để tìm hiểu rõ hơn về OER, các địa chỉ cung cấp OER phổ biến, mời bạn tìm đọc cuốn sách: “Giáo dục và khoa học mở – Cẩm nang hướng dẫn dành cho giảng viên và nhà nghiên cứu”.
Content by Tran Thi Giang