Đánh giá bài viết này

Xu hướng xây dựng và phát triển một nền giáo dục phi lợi nhuận đã mở ra một phong trào mới – giáo dục mở. Các thành tựu về giáo dục, các phát minh của nhân loại nay đã không còn chỉ là một kho dữ liệu đóng nữa. Giáo dục mở đã cho phép kết hợp và tiếp thu, sử dụng nguồn tài liệu miễn phí để phục vụ công việc và học tập bằng một hệ thống giáo dục mở. Vậy hệ thống giáo dục mở là gì và tính tất yếu của sự hình thành hệ thống giáo dục mở ra sao? Cùng tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây.

Thế nào là hệ thống giáo dục mở?

Giáo dục mở (Open Education) là một tập hợp các thực hành tận dụng công nghệ trực tuyến để chia sẻ tri thức miễn phí. Giáo dục mở là một phong trào giáo dục khuyến khích mở rộng khả năng tiếp cận các cơ hội học tập và đào tạo vốn chỉ được cung cấp thông qua hệ thống giáo dục chính thức và thường được cung cấp thông qua các hình thức giáo dục trực tuyến và giáo dục từ xa.

Hệ thống giáo dục mở là một hệ thống giáo dục mà không có các rào cản về thời gian, địa điểm và cách thức tiếp cận. Với sự phát triển của Internet như hiện nay, tiếp cận giáo dục theo hướng mở là một xu thế bắt buộc, nó là cơ sở để hình thành nền giáo dục trong tương lai. 

Tính tất yếu của sự hình thành hệ thống giáo dục mở

Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng đã có những quan điểm cá nhân về hệ thống giáo dục mở. Ông cho rằng một hệ thống đóng kín nhất định sẽ thoái hóa và lạc hậu. Chỉ có hệ thống mở mới có thể đứng vững và phát triển được. Mục đích của hệ thống này là tạo ra một “thư viện” cung cấp các kiến thức chất lượng và làm gia tăng động lực cho giáo dục.

Giáo dục mở là một ý tưởng và hiện tượng của thời đại, đã và đang mở ra một trào lưu toàn cầu, đầy triển vọng cho công cuộc đổi mới đối với giáo dục và đào tạo; vẽ nên một viễn cảnh mới của giáo dục thế giới trong thế kỷ 21. Xu thế hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa đòi hỏi các quốc gia nói chung và Việt Nam nói riêng phải tiếp cận giáo dục theo cách mở nếu muốn tiếp tục xây dựng nền kinh tế tri thức, sử dụng các thành quả của cuộc Cách mạng công nghiệp. Điều này đang đặt ra những thách thức cho nền giáo dục Việt Nam. 

Thực trạng các hệ thống giáo dục mở tại Việt Nam

Cuối những năm của thế kỷ XX, Việt Nam đã bắt đầu tiếp cận và xây dựng các mô hình giáo dục mở. Tuy nhiên, sự phổ biến và chất lượng của các OER chưa được chú trọng nhiều dẫn đến việc nó chưa được chú ý và quan tâm. Những năm gần đây, với sự bùng nổ của Internet, nhu cầu học trực tuyến và học từ xa được quan tâm nhiều hơn kéo theo nhu cầu sử dụng các tài nguyên giáo dục mở cũng tăng lên.

Dù đã nhận thức được tầm quan trọng của giáo dục mở từ khá sớm thế nhưng đến hiện nay, nền giáo dục nước ta vẫn còn tồn tại nhiều mặt rất lạc hậu, kìm hãm sự phát triển tư duy và năng lực của con người, làm cho dân tộc không đủ sức để tiến vượt lên. Do đó, yêu cầu đặt ra là cần phải có một cuộc cải cách sâu rộng.

Ngày 25 tháng 9 năm 2023, Thủ tướng đã ban hành Quyết định số 1117/QĐ-TTG phê duyệt Chương trình xây dựng mô hình nguồn tài nguyên giáo dục mở trong giáo dục Đại học. Cũng vào tháng 10/2023, Chính phủ chính thức công bố một cổng dữ liệu mở thuộc quyền sở hữu của Việt Nam giao cho Bộ Khoa học Công nghệ và Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý. Mọi người có thể truy cập vào: https://openscience.vn/ để tìm hiểu thêm thông tin. Những sự kiện này sẽ góp phần khẳng định sự ghi nhận tầm quan trọng của OER đối với toàn ngành giáo dục nói riêng và toàn xã hội nói chung.

he thong giao duc mo la gi 1
Hệ thống quản lý và chia sẻ dữ liệu nghiên cứu khoa học và công nghệ dùng chung

Hiện nay, các trường đại học ở Việt Nam đã và đang bắt đầu xây dựng một hệ thống giáo dục mở thông qua thư viện Nhà trường nhằm phục vụ cho công tác học tập, giảng dạy, nghiên cứu của sinh viên, giảng viên và nghiên cứu sinh. Điều này đã tạo cơ hội cho sinh viên và giảng viên có được một nguồn cung cấp thông tin miễn phí và chất lượng giúp nâng cao chất lượng dạy và học.

Mạng Internet không có chức năng chọn lọc những thông tin đúng và tích cực dẫn đến việc mọi người khi tìm kiếm thông tin rất dễ bắt gặp các trang thông tin không chính thống. Điều này sẽ gây ảnh hưởng đến chất lượng của thông tin và lòng tin của người dùng. Vì vậy khi tìm kiếm các tài nguyên giáo dục mở, chúng ta nên tìm kiếm ở những nguồn uy tín. Hiện nay có rất nhiều trang Web cung cấp tài liệu miễn phí về đa dạng chủ đề để người dùng sử dụng. Địa chỉ trang web, cách thức sử dụng, các nội dung chi tiết về trang web đó sẽ được đề cập trong cuốn sách: “Giáo dục và Khoa học mở – Cẩm nang hướng dẫn dành cho giảng viên và nhà nghiên cứu”.

Content by Tran Thi Giang

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *