Ngày nay, trong thời đại toàn cầu hóa, giao tiếp và quản trị liên văn hóa đã nhanh chóng trở thành ngành học cơ bản tại nhiều trường đại học trên thế giới. Và một trong những học giả tiên phong trong nỗ lực xây dựng dòng lý thuyết mới về liên văn hóa chính là PGS.TS Nguyễn Phương Mai (ĐH Khoa học ứng dụng Amsterdam, Hà Lan). Tại buổi tọa đàm ra mắt cuốn sách “Quản trị liên văn hóa với đóng góp của ngành Khoa học não bộ” do Trung tâm Nghiên cứu Xuất bản và Giáo dục IPER tổ chức chiều ngày 27/11 vừa qua, tác giả Nguyễn Phương Mai đã cùng PGS.TS Nguyễn Hoàng Ánh và người điều phối Ms. Vũ Lan Hương thảo luận nhiều luận điểm mới về chủ đề rất hấp dẫn này.
Cách hiểu mới về văn hóa
Tác giả Phương Mai chia sẻ về văn hóa tiến hóa qua hai dẫn chứng rất thú vị. Thứ nhất là câu chuyện về đàn chó lai sói có phần gien sói lớn hơn bình thường của cô Sandra L. Piovesan. Tuy sống cùng con người và được cô chủ hết mực yêu thương nhưng đến một ngày nọ, đàn chó vẫn cắn chết Piovesan. Câu chuyện thứ hai kể về Oxana Malaya, một bé gái bị bố mẹ bỏ rơi, chủ yếu sống với lũ chó quanh quẩn trong nhà. Khi Oxana được tìm thấy thì bé giống hệt như đàn chó: đi bằng bốn chân, tru lên, ăn thịt sống… Qua hai ví dụ, ta có thể thấy rằng con người có khả năng thích nghi tốt hơn con vật. Bản năng của con vật vốn được mã hóa trong gien. Chúng không tiếp thu văn hóa của con người dù sống cùng con người. Ngược lại, khi con người sống với con vật thì lại học theo lối sống của con vật, như Oxana đã sống theo văn hóa của một gia đình chó. Con người bắt chước và thích nghi với môi trường mà họ sống trong, họ quên đi phần gien của mình.

Từ góc nhìn sinh học, loài vật tiến hóa bằng cách thay đổi gien. Ví dụ như tiến hóa ở loài chim. Chúng vốn bắt nguồn từ bò sát. Để có thêm một đôi cánh, loài chim phải bắt đầu bằng một đột biến gen tình cờ nào đó và phải qua rất nhiều thế hệ, qua hàng triệu năm để đột biến đó lan tỏa trong quần thể chim. Con người không tiến hóa bằng cách thay đổi gien như vậy. Câu chuyện về cô bé Oxana khi sống cùng lũ chó cho thấy cô bé không chết và gien của cô cũng không biến đổi, cô hòa nhập vào đàn chó, thích nghi cùng lối sống của chúng. Cô đã sống sót bằng khả năng học hỏi, và đó cũng chính là nền tảng tạo nên văn hóa của con người.
Như thế, văn hóa phải được gọi là khả năng văn hóa. Con người thống trị được thế giới là do chúng ta có khả năng kiến tạo và vận hành văn hóa.
Tại sao phải “giữ gìn văn hóa”?
Điều chúng ta cần giữ gìn, về sâu xa, không phải một thực thể như áo dài hay khẩu hiệu “tiên học lễ hậu học văn”… Điều chúng ta không được đánh mất là khả năng học hỏi, khả năng quan sát, tích lũy kiến thức, thích nghi, ứng phó, đánh giá xem điều gì đáng để học.
Nhưng nếu con người không tiến hóa bằng gien thì gien tồn tại để làm gì? Tại sao nó không biến mất? Nhìn vào bản đồ di cư của loài người xuất phát từ cái nôi châu Phi, các nhà khoa học đã xác định một biến thể gien có liên quan đến những hành vi như hơi bốc đồng, chóng chán, thích tìm cái mới. Những giá trị văn hóa này rất có lợi khi tổ tiên của chúng ta di cư đến những vùng đất lạ. Càng rời xa châu Phi, mật độ gien này càng nhiều trong các quần thể dân cư. Gien tồn tại để thúc đẩy các giá trị văn hóa phù hợp cho sự sinh tồn của con người. Giá trị nào tốt cho sinh tồn của con người thì sẽ được mã hóa vào gien, và gien trở nên trội trong quần thể người để con người tồn tại.
Tọa đàm trực tuyến “Quản trị liên văn hóa với đóng góp của ngành Khoa học não bộ”
Dù văn hóa được mã hóa vào gien, gien không hoàn toàn quyết định số phận của con người. Các nhà khoa học đã quan sát được rằng, những người mang gien khám phá đến từ những gia đình trung lưu sẽ chuyển việc làm thông qua thăng tiến hoặc tự nguyện. Nhưng với những người mang cùng gien đó đến từ gia đình nghèo đói, họ chuyển việc thường do bị sa thải hoặc giảm biên chế. Với cùng một gien, những môi trường khác nhau sẽ khiến cho gien biểu hiện ở khía cạnh hoàn toàn khác nhau. Với gien khám phá, trong một môi trường tích cực, bạn có thể trở thành một nhà kinh doanh. Nhưng ở trong môi trường khác, nó có thể biến bạn thành một kẻ nghiện ngập hay cờ bạc. Vậy hệ quả của sự tiến hóa gien là xấu hay tốt tùy thuộc vào môi trường xã hội. Thứ được mã hóa trong gien chỉ là tiềm năng văn hóa.
Các lý thuyết đương đại chỉ ra rằng văn hóa thay đổi tùy hoàn cảnh. Ví dụ như văn hóa Viking ở Bắc Âu, con người ở đó nổi tiếng là những kẻ hung hãn, cướp bóc những nơi họ đến chiếm đóng. Các nước Bắc Âu đã từng có “văn hóa nam tính” như vậy, nhưng hiện tại, họ có “chỉ số nữ tính” cao nhất thế giới, tức là một xã hội có sự bình đẳng, nhân văn, an sinh xã hội tốt. Văn hóa của họ đã thay đổi hoàn toàn. Một ví dụ khác là những cô gái Iran trước khi cách mạng Hồi giáo nổ ra. Họ từng mặc váy ngắn, trang điểm và không choàng khăn. Giờ đây ở Iran, ai cũng phải choàng khăn dù có theo Hồi giáo hay không theo cách tương đối hà khắc. Như vậy, văn hóa không đứng yên và cũng không thay đổi đồng bộ do nhiều lý do như chiến tranh, suy thoái hoặc phát triển kinh tế, toàn cầu hóa.
Vì sao chúng ta cần giao tiếp và quản trị liên văn hóa?
Chúng ta không thể chỉ thích nghi với văn hóa đã có mà còn kiến tạo nên văn hóa mới. Diễn giả Phương Mai phân tích trường hợp một công ty đề cao sự liêm chính tại một nơi tình trạng tham nhũng phổ biến thì làm thế nào để tồn tại và phát triển? Họ có hai lựa chọn, thích nghi hoặc kiến tạo. Họ có khả năng khiến cho đồng nghiệp, chính quyền, đối tác hiểu rằng liêm chính là một giá trị cần bảo vệ để dần dần loại bỏ văn hóa đút lót. Văn hóa là một công cụ, không có tốt hay xấu. Chúng ta cần xác định rằng chúng ta cần văn hóa nào để tiếp tục phát triển.
Chúng ta cần yêu thương và tôn trọng người khác, kết giao bằng sự chân thành, làm chậm sự phán xét, tiếp thu kiến thức khoa học để thoát khỏi định kiến. Có rất nhiều cách để nuôi dưỡng tâm thế đa văn hóa. Tuy nhiên, về căn bản, chúng ta cần sự dũng cảm để bước vào thế giới của những người khác mình. Nói vậy không có nghĩa sự sợ hãi là không được phép, không nên có. Chúng ta cần cả dũng cảm và sợ hãi.
Con người có sáu xúc cảm cơ bản: hạnh phúc, nỗi buồn, sợ hãi, ghê tởm, giận dữ, ngạc nhiên. Sợ hãi là xúc cảm quan trọng nhất của loài người. Diễn giả Phương Mai nêu lại nghiên cứu nổi tiếng, khi được cho xem hình ảnh người nội nhóm (gia đình, bạn bè, đồng nghiệp) và những người ngoại nhóm (người lạ), trong não những người tham gia xuất hiện những vùng khác nhau được kích hoạt trước khi nhận thức khởi động. Chúng ta nhìn thấy người ngoại nhóm và lập tức thấy đề phòng, sợ hãi. Quay ngược về quá khứ, ở thời điểm mà tổ tiên con người còn sống trong những nhóm nhỏ trên đồng cỏ. Khi gặp một người ăn mặc khác, có giọng nói khác, hành vi khác, điều đầu tiên xuất hiện trong não họ là sự nguy hiểm: có thể người lạ kia sẽ ăn cắp đồ ăn, cướp lấy tài nguyên, tài sản. Hiện nay, cúng ta đã không còn sống trên đồng cỏ nữa nhưng bộ não của chúng ta vẫn còn phần đồng cỏ. Chúng ta nhìn những người có màu da khác, hành vi khác, văn hóa khác, giá trị khác, lối sống khác là bộ não của chúng ta thấy sợ hãi.
Cuốn sách “Quản trị liên văn hóa với đóng góp của ngành Khoa học não bộ” do IPER phát hành
Một trong những chiến lược để chiến thắng sợ hãi là luôn tạo ra điểm chung giữa mình và người khác. Hệ hình tĩnh khiến ta luôn bắt đầu từ sự khác biệt nhưng chúng ta phải bắt đầu từ sự đồng cảm, điểm chung giữa con người. Ví dụ như vấn đề bình đẳng giới đang được đề cập đến rất nhiều. Chúng ta luôn mong muốn có được bình đẳng giới. Nhưng có một điều bất cập là mọi người thường so sánh nam và nữ, đặt họ như hai đối thủ trên một sới vật xem ai giỏi hơn, ai xứng đáng hơn. Điều này hoàn toàn sai. Để các giới bình đẳng, chúng ta phải bắt đầu từ sự tương đồng và chung sức. Kẻ thù chung của nam và nữ là định kiến, chứ nam và nữ không phải kẻ thù của nhau. Định kiến của người nam chính là gông cùm của người nữ, và định kiến của người nữ cũng đặt lên áp lực cho người nam. Ví dụ như việc nam giới phải là trụ cột trong gia đình, là người kiếm tiền. Áp lực đó với người nam không phải món quà cho người nữ rằng họ không cần phải kiếm tiền. Đồng thời với đó, nó gây ra áp lực cho người nữ là phải ở nhà trông con, lùi về sân sau.
Kết thúc buổi tọa đàm, các diễn giả đã thống nhất rằng, khi chúng ta muốn thay đổi văn hóa, điểm khởi đầu không bao giờ là sự khác biệt mà phải là sự tương đồng. Và để sinh tồn chúng ta cần cả sự dũng cảm lẫn sợ hãi, nhưng không được để nỗi sợ ngăn cản con người đồng cảm và yêu thương.