Nhà trường là gì? Nhà trường có những chức năng, nhiệm vụ gì? Hãy cùng IPER tìm hiểu nhé!
Khái niệm về nhà trường
Nhà trường là cơ quan giáo dục chuyên nghiệp, có đội ngũ các nhà sư phạm được đào tạo một cách chính quy, nội dung chương trình được chọn lọc, phương pháp giáo dục phù hợp với lứa tuổi, có phương tiện kỹ thuật phục vụ cho giáo dục. Mục đích giáo dục của nhà trường phù hợp với xu thế phát triển xã hội và thời đại. Bằng kiến thức và phương pháp khoa học, bằng hình thức tổ chức các hoạt động sư phạm hợp lý, giáo dục nhà trường tạo nên bộ mặt tâm lý cá nhân phù hợp với những chuẩn mực giá trị xã hội và thời đại.
Mục tiêu giáo dục của nhà trường
Để thực hiện chiến lược giáo dục, mỗi quốc gia đều có một hệ thống giáo dục của mình. Hệ thống giáo dục quốc dân là mạng lưới các trường học được xây dựng để tiến hành giáo dục thế hệ trẻ và đào tạo nhân lực theo yêu cầu của xã hội. Hệ thống trường học được xây dựng thống nhất trên phạm vi cả nước, được sắp xếp thành các cấp học, ngành học, với các loại hình đào tạo… nhằm thỏa mãn nhu cầu học tập của nhân dân. Dù ở cấp độ vĩ mô hay cấp độ vi mô, ở cấp trung ương hay địa phương, ở cấp học, trường học hay ngành học, cụ thể hơn là bài học, trong giáo dục luôn đặt ra bốn vấn đề cơ bản:
- Giáo dục để làm gì? (Mục tiêu giáo dục)
- Giáo dục cái gì? (Nội dung giáo dục)
- Giáo dục như thế nào? (Phương pháp giáo dục)
- Kết quả giáo dục ra sao? (Đánh giá hiệu quả, chất lượng giáo dục)
Đây là những phạm trù cơ bản của giáo dục nói chung, nó có mối quan hệ thống nhất, biện chứng với nhau.
Việc xác định mục tiêu, xây dựng nội dung, chương trình, phương pháp giáo dục của từng cấp học là nhằm cụ thể hóa đường lối, chiến lược phát triển giáo dục của đất nước. Giáo dục trung học phổ thông nằm trong hệ thống giáo dục quốc dân Việt Nam.
Điều 2, chương I – Những quy định chung của Luật giáo dục đã nêu rõ mục tiêu giáo dục (Điều 2, Luật giáo dục, 2005)
“Mục tiêu giáo dục là đào tạo con người Việt Nam phát triển toàn diện, có đạo đức, tri thức, sức khỏe, thẩm mỹ và nghề nghiệp, trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; hình thành và bồi dưỡng nhân cách, phẩm chất và năng lực của công dân, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ tổ quốc.”
Chức năng, nhiệm vụ của Nhà trường
- Giảng dạy, học tập và các hoạt động giáo dục khác theo mục tiêu, chương trình giáo dục, xác nhận hoặc cấp văn bằng, chứng chỉ theo thẩm quyền ;
- Tuyển dụng, quản lý nhà giáo, cán bộ, nhân viên ; tham gia vào quá trình điều động của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền đối với nhà giáo, cán bộ, nhân viên ;
- Tuyển sinh và quản lý người học ;
- Huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực theo quy định của pháp luật ;
- Xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật theo yêu cầu chuẩn hoá, hiện đại hoá ;
- Phối hợp với gia đình người học, tổ chức, cá nhân trong hoạt động giáo dục;
- Tổ chức cho nhà giáo, cán bộ, nhân viên và người học tham gia các hoạt động xã hội ;
- Tự đánh giá chất lượng giáo dục và chịu sự kiểm định chất lượng giáo dục của cơ quan có thẩm quyền kiểm định chất lượng giáo dục;
Hi vọng, những chia sẻ này sẽ giúp bạn có cái nhìn khách quan hơn về trường học. Bạn đọc có thể tìm hiểu sâu hơn về khái niệm “trường học”, “trường học tốt” qua tựa sách Làm thế nào để thay đổi trường học?, tác giả Tony Wagner.
Content by Nguyễn Thị Hải Yến