Nguồn bài viết: Bài review sách của bạn Đỗ Quang Hiệp trên Spiderum.

Sách là một trong những phát minh quan trọng nhất của loài người. Chúng đã luôn song hành với những chặng đường của lịch sử nhân loại. Chúng cũng có lịch sử của riêng mình. Vậy lịch sử của chúng là như thế nào?

Vào một ngày đẹp trời có một cậu học trò đã hỏi tôi rằng: “Thưa thầy, điều gì đã góp phần định hình nên văn minh nhân loại?” Và tôi trả lời đó là tri thức.
Cậu học trò đó lại hỏi tiếp: “Vậy thưa thầy, những tri thức đó ở đâu ạ?” Tôi liền trả lời: “Khi xưa Lỗ Ai Công hỏi về thuật trị quốc, Khổng Tử đã đáp: chính sự của các vua Chu Văn Vương, Chu Vũ Vương đều ở trong điển tịch cả.”
Vậy những cuốn sách của chúng ta có lịch sử như thế nào? Vậy thì hãy để James Raven – Giáo sư Đại học Essex kể câu chuyện về lịch sử của chúng trong What is The History of The Book (Lịch sử của Sách).
Lịch sử của Sách. Nguồn: Zing News
Sách là một trong những phát minh quan trọng nhất trong lịch sử loài người và quá trình phát triển của sách cũng song hành cùng với quá trình phát triển của xã hội loài người. Trong sự tương tác đó, con người đã tạo ra các loại hình thư tịch và sự tiến hoá của những loại hình thư tịch đó cũng đã tham gia tích cực vào việc thúc đẩy sự tiến bộ của xã hội loài người. Sách giúp lưu trữ lại những kinh nghiệm trong lao động, sản xuất. Sách giúp ghi lại những thời khắc vinh quang nhất và cả những thời kỳ đen tối nhất. Sách giúp ghi lại những danh ngôn của các bậc trí giả và tư tưởng của tổ tiên chúng ta. Sách giúp chúng ta biết đến những vùng đất xa xôi, huyền bí; sách giúp ghi lại câu chuyện về những bậc vĩ nhân và cả những tên bạo chúa…
Chính vì thế, bản thân mỗi cuốn sách là một vật phẩm văn hoá và sự tiến hoá, phát triển của chúng là một lịch sử thu nhỏ của quá trình thực hành tri thức của văn minh nhân loại. Mỗi cuốn sách hàm chứa trong nó không chỉ là một bảng phả hệ tri thức; mà nó còn là lịch sử của kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội, tôn giáo, tín ngưỡng, tư tưởng, nhận thức của một thời kỳ. Vì vậy, thư tịch giúp cung cấp cho chúng ta hàm lượng tri thức lớn hơn nhiều so với những gì được ghi chép bên trong chúng.
Sẽ chẳng có gì là ngạc nhiên khi tất cả các nền văn minh trong lịch sử nhân loại đều coi chức năng lưu trữ tri thức là giá trị trung tâm của thư tịch. Cụ thể, mỗi xã hội và mỗi giai đoạn phát triển của nó lại được định hình bởi những khung cảnh thư tịch nhất định. Từ những tấm bảng đất sét khắc chữ nêm của người Sumer thời cổ đại, cho đến những cuộn giấy papyrus của người Ai Cập, những cuốn codex đồ sộ ở châu Âu trung đại, những cuộn dây thừng được thắt nút của người Inca; cho đến những bản eBooks từ kho sách điện tử khổng lồ của Google và những máy đọc sách Kindle của thời hiện đại. Vì vậy, tác giả đã khẳng định rằng lịch sử của sách là một vấn đề liên vùng, và phải được xem xét từ khung cảnh toàn cầu kể từ khi xuất hiện những hình thái ký tự đầu tiên của con người vào khoảng 14.000 năm về trước. Điều này đã vượt ra khỏi những cách tiếp cận học thuật phổ biến, trong đó lấy châu Âu làm trung tâm mà theo đánh giá sử gia Elizabeth Eisenstein thì đã trở nên lỗi thời. Qua đó, James Raven đã nhấn mạnh rằng sách đã ra đời ở nhiều khu vực khác trên thế giới từ hàng thiên niên kỉ trở về trước trong thời đại của các văn bản chép tay, khắc ván.
Một cuốn sách thẻ tre của Trung Quốc. Nguồn Wikipedia
Một cuốn sách thẻ tre của Trung Quốc. Nguồn Wikipedia

Tính toàn cầu này được thể hiện ở việc sách đã vượt ra khỏi những khuôn khổ không thời gian thông thường và tham gia vào những diễn trình quốc tế như cuộc cách mạng in ấn của Johannes Gutenberg, phong trào Cải cách Kháng nghị, phong trào Phục hưng, trào lưu Triết học Khai sáng, sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc, sự hưng vong của các đế quốc, cách mạng khoa học – kỹ thuật, cách mạng khoa học – công nghệ… Sự tham dự của sách vào những bước chuyển mình lớn lao của nền văn minh nhân loại không chỉ được phản ánh qua những diễn ngôn của lịch sử mà còn là mối quan hệ liên ngành giữa tri thức và các dạng thức truyền bá, lưu trữ tri thức; giữa lịch sử, văn học, truyền thông, lưu trữ, bảo tồn, thông tin và thư viện. Trong thời buổi hiện đại, công nghệ số đã và đang thách thức định nghĩa truyền thống về sách và thực hành sách. Điều này đã đem đến những thay đổi lớn trong hoạt động sáng tạo, lưu hành và tác động của những ý tưởng lịch sử trên phạm vi toàn cầu, giống như cái cách mà cuộc cách mạng in ấn đã dẫn đến sự ra đời của Thời đại Khai sáng.

Một máy in ép gỗ cơ học ở châu Âu năm 1568. Nguồn: Wikipedia
Một máy in ép gỗ cơ học ở châu Âu năm 1568. Nguồn: Wikipedia
Sách, với tư cách là một trong những vật phẩm hiếm hoi mà từ khi ra đời đã tồn tại và tiến hoá liên tục cùng với xã hội loài người, đã và đang tiếp tục đóng một vai trò quan trọng đối với sự phát triển của các xã hội. Chúng không chỉ dừng lại ở việc phản ánh sự thay đổi của những dạng thức biểu đạt tri thức mà chúng còn phản ánh sự thay đổi trong nhận thức của con người về sách, thực hành sách; trong thế giới quan, nhãn quan chính trị, tinh thần, tôn giáo và ý thức hệ. Cụ thể, xã hội loài người được dẫn dắt bởi những “đại tự sự”; đó là những Iliad và Odysseus, Ramayana và Mahabharata, Ngũ Kinh và Tứ Thư, Kinh Qur’an, Kinh Thánh, Tuyên ngôn Đảng Cộng sản, Nguồn gốc các loài, Sự thịnh vượng của các quốc gia… và sách chính là công cụ chủ đạo và hữu hiệu đã khuếch đại những diễn ngôn đó.
Một trong những ví dụ tiêu biểu cho sự tương tác của sách, thực hành với tiến bộ của văn minh là cuộc cách mạng in ấn ở châu Âu thế kỷ XV sau khi Johannes Gutenberg giới thiệu cách in với các con chữ rời cơ học. Việc sản xuất hàng loạt những bản in với giá rẻ cùng với khả năng truyền bá rộng rãi của chúng đã phá vỡ độc quyền tri thức của Giáo hội và giới quý tộc, mở đường cho việc đọc sách, viết sách và dịch sách rộng rãi hơn bao giờ hết. Việc in sách đã làm giảm đáng kể chi phí từ việc chép sách, tạo điều kiện cho việc tiếp cận tri thức khoa học trở nên dễ dàng hơn. Điều này tạo nên một nền khoa học bất đồng, nơi các ý kiến, quan điểm được đưa ra bàn luận. Sự gia tăng nhanh chóng về số lượng thư tịch đã dẫn đến sự ra đời của những khái niệm mới về thư viện, lưu trữ, thương mại sách vở và bùng nổ tri thức. Cơn bão xuất bản này đi cùng với nó chính là văn hoá Phục hưng, phong trào Cải cách tôn giáo, trào lưu Triết học Khai sáng, chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa tự do và các cuộc cách mạng. Trong đó, quan trọng nhất có thể kể đến sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc từ khoảng thế kỷ XVIII và sự xác lập của những không gian công cộng hiện đại. Từ tri thức, ngôn ngữ, tôn giáo, giáo dục… đã dẫn đến sự ra đời của những nhà nước châu Âu hiện đại và từng bước xác lập sự thống trị của phương Tây trong thế kỷ XIX – XX. Đi cùng với đó là sự xác lập của văn hoá đọc và thực hành sách trên phạm vi toàn cầu thông qua những thư viện, hội sách, hội nhóm tranh biện, các trường đại học…
Mặt khác, những cuốn sách mê tín, phù thuỷ như Necronomicon hay như Malleus Maleficarum cũng có những tác động nhất định đối với việc định hình xã hội loài người. Chúng có vai trò như những cuốn sách gây hỗn loạn trong một nền khoa học bất đồng. Sự ra đời của chúng đã kéo theo sự xuất hiện của những toà án dị giáo, những giàn thiêu, những cuộc săn lùng phù thuỷ, những phong trào cải cách tôn giáo, những cuộc Thập tự chinh, những cuộc Thánh chiến Jihad. Nhưng quyền năng của chúng không chỉ có thế, sách còn là những vật phẩm linh thiêng được nhiều thế hệ con người tôn sùng và tin theo. Chúng là lời răn dạy của các bậc thánh thần, ma quỷ và vĩ nhân. Hành động tụng niệm kinh, làm dấu Thánh ở Công giáo, lần tràng hạt ở Phật giáo… được cho là những cách mang đến cho con người nguồn sức mạnh và quyền năng như một thứ bùa hộ mệnh; đồng thời đây cũng là cách con người ta tư thông với Đấng Tạo hoá của mình. Điều này làm chúng ta liên tưởng đến những Hiệp sĩ ở châu Âu, những chiến binh Hồi giáo ở Trung Đông và Bắc Phi, những võ sĩ Samurai ở Nhật Bản… với sự thiêng liêng của những tín điều mà họ thực hành. Trong sự thực hành đó, sách đã thực sự trở thành một động lực góp phần làm thay đổi lịch sử.
Tuy nhiên, đi cùng với sự gia tăng nhanh chóng về số lượng của các thư tịch, vốn đã được Conrad Gessner hay Gottfried Wilhelm Leibniz mô tả như một “sự phong phú đến mức hỗn loạn và có hại của sách vở”, thì mỗi xã hội đều phải sở hữu và phát triển một hệ thống kiểm soát phức tạp: bản quyền, kiểm duyệt, lưu hành, sách lậu… Chính nhu cầu quản lý này đã tạo điều kiện cho sự ra đời của một loạt những thiết chế và lĩnh vực khoa học mới, chưa từng được biết đến trước kia. Đó là phân loại, lưu trữ, thư viện, văn khố được chuẩn hoá. Trên cơ sở đó, một lịch sử toàn cầu về hệ thống thư viện, lịch sử tri thức, chuyển giao tri thức và sáng tạo được ra đời.
Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ, Washington D.C. Nguồn: https://www.loc.gov/
Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ, Washington D.C. Nguồn: https://www.loc.gov/
Một vấn đề nữa cần phải nói đến về thực hành sách là mối quan hệ giữa sách và độc giả. Đó là các khía cạnh Ai?, Cái gì?, Như thế nào? Trả lời cho những câu hỏi này sẽ góp phần định vị trình độ phát triển và bản sắc văn hoá tri thức của mỗi thời đại. Lịch sử đã chứng kiến những cuộc cách mạng thực sự trong lĩnh vực văn hoá đọc. Khi đó, sách, thông qua hoạt động thực hành, đã, đang và sẽ tiếp tục đóng vai trò trực tiếp trong những bước chuyển giao thời đại. Sự thay đổi trong niềm tin và hành vi của con người đối với hoạt động đọc cũng kéo theo sự thay đổi trong không gian đọc, kỹ thuật đọc, cách thức đọc… Khi lượng sách ngày càng trở nên phong phú thì sự phân hoá trong độc giả cũng ngày càng trở nên sâu sắc. Từ đây, khái niệm “Thị hiếu đọc” đã xuất hiện và thống trị thị trường xuất bản và mua bán sách – giờ đây đã trở thành một ngành công nghiệp. Với kỹ thuật hiện đại, chu kỳ tuần hoàn của sách cũng được đẩy nhanh hơn bao giờ hết. Quá trình toàn cầu hoá của sách đã tạo ra một cuộc cách mạng về cách thức thu nhận, truyền tải, lưu hành, đọc, truy vấn, tìm kiếm và lưu trữ văn bản.
Cuối cùng, sách là nhân tố quyết định đến những bước chuyển của văn minh loài người: từ văn bản truyền miệng, văn bản chép tay, văn bản in ấn cho đến văn bản điện tử, số hoá. Từ đó chúng ta có thể thấy được ý nghĩa quan trọng của nghiên cứu lịch sử thư tịch trong việc phác hoạ các mẫu hình văn minh nhân loại. Hiện nay, việc nghiên cứu về lịch sử của sách mới chỉ xuất hiện từ những năm 1980 và vẫn còn xa lạ đối với rất nhiều người; chính vì vậy, trong cuốn sách của mình, tác giả đã dành ra một phần đáng kể dung lượng để phác thảo những đặc thù, phạm vi, nguồn gốc, phương pháp luận và xu thế của ngành. Với ý nghĩa đó, đây là một công trình dẫn nhập có giá trị rất lớn cho bất cứ ai có hứng thú tìm hiểu về lịch sử của sách và thực hành sách; từ đó gợi mở ra những hướng mới cho lĩnh vực nghiên cứu lịch sử xã hội học và lịch sử tri thức, mà ở trong đó, sách là một thực hành của xã hội loài người.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *