Một vấn đề nữa cần phải nói đến về thực hành sách là mối quan hệ giữa sách và độc giả. Đó là các khía cạnh Ai?, Cái gì?, Như thế nào? Trả lời cho những câu hỏi này sẽ góp phần định vị trình độ phát triển và bản sắc văn hoá tri thức của mỗi thời đại. Lịch sử đã chứng kiến những cuộc cách mạng thực sự trong lĩnh vực văn hoá đọc. Khi đó, sách, thông qua hoạt động thực hành, đã, đang và sẽ tiếp tục đóng vai trò trực tiếp trong những bước chuyển giao thời đại. Sự thay đổi trong niềm tin và hành vi của con người đối với hoạt động đọc cũng kéo theo sự thay đổi trong không gian đọc, kỹ thuật đọc, cách thức đọc… Khi lượng sách ngày càng trở nên phong phú thì sự phân hoá trong độc giả cũng ngày càng trở nên sâu sắc. Từ đây, khái niệm “Thị hiếu đọc” đã xuất hiện và thống trị thị trường xuất bản và mua bán sách – giờ đây đã trở thành một ngành công nghiệp. Với kỹ thuật hiện đại, chu kỳ tuần hoàn của sách cũng được đẩy nhanh hơn bao giờ hết. Quá trình toàn cầu hoá của sách đã tạo ra một cuộc cách mạng về cách thức thu nhận, truyền tải, lưu hành, đọc, truy vấn, tìm kiếm và lưu trữ văn bản.
Cuối cùng, sách là nhân tố quyết định đến những bước chuyển của văn minh loài người: từ văn bản truyền miệng, văn bản chép tay, văn bản in ấn cho đến văn bản điện tử, số hoá. Từ đó chúng ta có thể thấy được ý nghĩa quan trọng của nghiên cứu lịch sử thư tịch trong việc phác hoạ các mẫu hình văn minh nhân loại. Hiện nay, việc nghiên cứu về lịch sử của sách mới chỉ xuất hiện từ những năm 1980 và vẫn còn xa lạ đối với rất nhiều người; chính vì vậy, trong cuốn sách của mình, tác giả đã dành ra một phần đáng kể dung lượng để phác thảo những đặc thù, phạm vi, nguồn gốc, phương pháp luận và xu thế của ngành. Với ý nghĩa đó, đây là một công trình dẫn nhập có giá trị rất lớn cho bất cứ ai có hứng thú tìm hiểu về lịch sử của sách và thực hành sách; từ đó gợi mở ra những hướng mới cho lĩnh vực nghiên cứu lịch sử xã hội học và lịch sử tri thức, mà ở trong đó, sách là một thực hành của xã hội loài người.