Đánh giá bài viết này

Ngày nay, với sự phát triển và thay đổi không ngừng của xã hội đặt ra yêu cầu mới về các tài liệu và thông tin. Nó phải mang tính đổi mới và được cập nhật liên tục. Trong khi các cuốn sách giáo khoa truyền thống khó thay đổi để cập nhật kiến thức mới thì một khái niệm giáo dục mới đã ra đời để giải quyết nhu cầu cập nhật thông tin. Đó là Giáo dục mở – Open Education (OE). Vậy giáo dục mở là gì, vì sao nó lại quan trọng? Hãy cùng theo dõi bài viết dưới đây.

Thế nào là giáo dục mở?

Giáo dục mở là một thuật ngữ mang ý nghĩa rộng lớn. Trong cuốn sách: “Giáo dục và Khoa học mở – Cẩm nang hướng dẫn dành cho Giảng viên và Nhà nghiên cứu”, tác giả đã nêu lên khái niệm về OE như sau: Giáo dục mở (Open Education) là một tập hợp các thực hành tận dụng công nghệ trực tuyến để chia sẻ tri thức miễn phí. 

Tận dụng sức mạnh của Internet, các công nghệ hiện đại, giáo dục mở đã thực hiện phân phối nhanh và miễn phí các tài liệu học tập nhằm chia sẻ, kết nối tri thức trên toàn thế giới. Điều này đã phá bỏ giới hạn kiến thức trong nhà trường hay từng khu vực như trước đây.

Mở là chìa khóa; mở cho phép truy cập, sửa đổi và sử dụng các tư liệu, thông tin, các mạng sao cho giáo dục có thể được cá nhân hóa cho từng người sử dụng. Giáo dục mở có vai trò quan trọng trong việc tạo cơ hội học tập suốt đời, thực hiện sứ mạng Giáo dục cho mọi người, và hơn thế nữa, nó tạo dựng nên hình hài của chính nền giáo dục trong tương lai.

Thuật ngữ Giáo dục mở xuất hiện từ khi nào?

Cuối những năm 1990, một số trường Đại học uy tín ở Hoa Kỳ bắt đầu tìm cách phổ biến nội dung các bài giảng đang được sử dụng trong các khóa học của họ theo hướng có lợi nhuận lẫn phi lợi nhuận. Trong đó, sách giáo khoa mở và trang web tài liệu giáo dục miễn phí là hai ý tưởng được đánh giá là khả quan nhất, đó cũng là những thuật ngữ đầu tiên mở ra phong trào giáo dục hiện đại – giáo dục mở.

Sau này, thuật ngữ này đã được cụ thể hóa, chia nhỏ ra thành nhiều tên gọi khác như: tài nguyên giáo dục mở (Open Education Resources – OER), khoa học mở (Open Science – OS),… Khái niệm Tài nguyên Giáo dục mở lần đầu tiên được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc – UNESCO (United Nations Educational, Scientific and Cultural Organization) đưa ra tại Diễn đàn 2002 về Khóa học mở (2002 Forum on OpenCourseware).

tai nguyen giao duc mo la gi 5
Giáo dục mở ngày càng quan trọng và phổ biến

Vì sao Giáo dục mở lại quan trọng?

Giáo dục mở ngày nay đã trở thành một trong các chủ đề được các sinh viên, giảng viên, nhà nghiên cứu quan tâm nhất bởi nó được coi như một cuộc đổi mới giáo dục trong tương lai. Giáo dục mở ngày càng quan trọng và phổ biến bởi một vài lý do sau đây:

Mọi người được học với mức chi phí tối thiểu thông qua giáo dục mở

Bằng việc cung cấp truy cập tự do không mất tiền và mở tới giáo dục và tri thức, giáo dục mở giúp tạo ra thế giới để hỗ trợ cho việc học tập. Các sinh viên có thể tiếp cận các kiến thức và thông tin miễn phí hoặc với chi phí tối thiểu. Các nhà sư phạm có thể có được những phương pháp dạy học mới tiên tiến và hiện đại hơn. Các công nhân có thể học những điều sẽ giúp cho họ hoàn thành công việc nhanh chóng và hiệu quả hơn. 

Tăng khả năng kết nối

Thông qua nền giáo dục mở, mọi người có thể kết nối với những người trên khắp các vùng khác nhau để chia sẻ các ý tưởng và thông tin. Các tư liệu có thể được dịch, pha trộn với nhau, chia nhỏ ra và được chia sẻ mở lại, làm gia tăng truy cập và mời chào các tiếp cận tươi mới. Bất kỳ ai cũng có thể truy cập tới các tư liệu giáo dục, các bài báo học thuật, và các cộng đồng học tập có tính hỗ trợ bất kỳ lúc nào họ muốn. Giáo dục là sẵn sàng, truy cập được, sửa đổi được và tự do.

Thực trạng giáo dục mở tại Việt Nam

Hiện nay, Giáo dục mở là chủ đề được rất nhiều giảng viên, sinh viên trường Đại học quan tâm. Tuy nhiên, hầu hết tất cả các tài nguyên giáo dục của Việt Nam có sẵn trên trực tuyến ở thời điểm hiện tại đều không phải là tài nguyên giáo dục mở. Bởi ngoại trừ một số lượng vô cùng nhỏ tài nguyên mà người đọc có thể sửa đổi, phân phối lại  thì số còn lại đều không phải. Vì ở đó người sử dụng chỉ có quyền nhiều nhất là truy cập miễn phí chứ họ không có quyền tùy biến thích nghi hoặc sửa đổi chúng.

Gần đây, một số tổ chức tư nhân cũng đã sớm xây dựng mô hình giáo dục mở, mở đầu cho trào lưu MOOC tại Việt Nam, trong đó tiên phong là Tổ hợp Giáo dục TOPICA (Đem công nghệ giáo dục mở – từ xa của Việt Nam ra thế giới).

Giáo dục mở đang tạo ra cơ hội lớn cho giáo dục đại học Việt Nam, mà cụ thể là các trường đại học trong việc tiếp cận đến nguồn học liệu có chất lượng với chi phí thấp nhất để nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu. Tuy nhiên, đây là vấn đề mới, chưa được tiếp cận một cách đầy đủ, hơn nữa chưa có một cơ chế pháp lý cụ thể dẫn đến các tài nguyên giáo dục mở chưa phát triển được.

Nếu bạn cũng đang có những điều còn thắc mắc và muốn được giải đáp về giáo dục mở, tài nguyên giáo dục mở thì có thể tìm đọc cuốn sách: “Giáo dục và khoa học mở – Cẩm nang hướng dẫn dành cho giảng viên và nhà nghiên cứu” tại đây.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *