Đánh giá bài viết này

Ngày 26/01/2024, tại Đại học Thành Đô, sự kiện ra mắt sách “Giáo dục và Khoa học mở” do IPER phối hợp cùng Đại học Thành Đô tổ chức đã diễn ra thành công với sự tham gia của các sinh viên, nhà nghiên cứu, giảng viên đến từ Đại học Thành Đô cũng như các trường đại học tại Hà Nội. Sự kiện mang đến những chia sẻ, góc nhìn khách quan của các tác giả và khách mời về Giáo dục mở và Khoa học mở – một trong những làn sóng cho công cuộc đổi mới giáo dục trong tương lai.

Phiên 1: Ra mắt sách “Giáo dục và Khoa học mở – Cẩm nang hướng dẫn dành cho giáo viên và nhà nghiên cứu”.

Mở đầu sự kiện, bà Phan Thị Thanh Thảo – Hiệu trưởng Trường Đại học Thành Đô và ông Trịnh Minh Tuấn – Đại diện IPER, Giám đốc công ty Cổ phần Xuất bản và Giáo dục Quảng Văn đã lần lượt phát biểu về tầm quan trọng của Giáo dục mở, Tài nguyên Giáo dục mở và lý do xuất bản cuốn sách Giáo dục và Khoa học mở.

Sau đó, Ths. Nguyễn Linh Chi, một trong những tác giả đã trình bày về những nội dung chính của cuốn sách “Giáo dục và Khoa học mở – Cẩm nang hướng dẫn dành cho giảng viên và nhà nghiên cứu”. Cuốn sách được chia làm 2 phần chính. Phần một là Giáo dục mở. Chị Chi đã nêu ra khái niệm của thuật ngữ tài nguyên giáo dục mở (Open Education Resources – OER) – Cốt lõi của Giáo dục mở. OER là các tài liệu dạy, học và nghiên cứu trong miền công cộng. Người dùng các OER có thể tái sử dụng, tái sửa đổi, tái kết hợp, tái phân phối và tái tạo lưu giữ. Các quyền này còn được gọi với cái tên gọi khác là khung định nghĩa 5R trong OER.

Tiếp theo, Ths. Nguyễn Linh Chi, tác giả cuốn sách “Giáo dục và Khoa học mở”, chia sẻ về khái niệm Giáo dục mở, đặc điểm của Tài nguyên giáo dục mở đó là bản quyền và giấy phép cùng với đó là các loại tài nguyên giáo dục mở phổ biến cho người dùng. Chị chỉ ra các OER được chia làm 3 dạng phổ biến nhất, đó là Sách giáo khoa mở, Khóa học trực tuyến đại chúng mở (MOOC) và Sư phạm mở. Đồng thời chị cũng giới thiệu một số nguồn cung cấp tài nguyên giáo dục mở được sử dụng phổ biến hiện nay.

Recap su kien ra mat sach giao duc va khoa hoc mo 1
Ths. Nguyễn Linh Chi, tác giả cuốn sách “Giáo dục và Khoa học mở”

Tiếp nối sự kiện là những chia sẻ của TS. Phạm Hiệp – đồng tác giả của cuốn sách về Khoa học mở (Open Science). Trong đó tác giả giải thích một số thuật ngữ liên quan đến Khoa học mở, đó là Truy cập mở, Dữ liệu mở (Open research data), phần mềm mở và mã nguồn mở, phản biện mở (Open peer review và hệ số đánh giá nghiên cứu (Metrics). Đồng thời, ông cũng giới thiệu một số nền tảng cung cấp dữ liệu khoa học mở  như: Harvard Dataverse Repository, DRYAD, Figshare, OSF, Mendeley Data, Zenodo,…

Phiên 2: Ra mắt thư viện: Khoa học – Giáo dục mở

Nhân dịp ra mắt cuốn sách, TS. Phạm Hiệp đại diện Viện Nghiên cứu Giáo dục và Chuyển giao thuộc Đại học Thành Đô chính thức ra mắt Thư viện mở mang tên “Khoa học – Giáo dục mở”. Thư viện có hơn 300 đầu sách ở đầy đủ các lĩnh vực từ Kinh tế – kinh doanh, ngoại ngữ, Khoa học, xã hội, dược học,…. Ông cũng khẳng định rằng, thời gian sắp tới, sau khi nhà trường tham gia trở thành thành viên của Hiệp hội Khoa học mở của Mỹ thì sẽ có thêm nhiều nguồn tài liệu phong phú và hữu ích hơn nữa.

Phiên 3: Tọa đàm “Tài nguyên giáo dục mở – Câu chuyện chuyển đổi số giáo dục” 

Tọa đàm có sự tham gia 4 diễn giả, chuyên gia bao gồm: GS.TS Trần Trung – Học viện Dân tộc, TS. Tác giả Phạm Hiệp, ThS. Tác giả Nguyễn Linh Chi, ThS. Dương Trọng Tấn – Viện Libero (Host). 

Trước câu hỏi: Thực trạng Giáo dục mở và Tài nguyên Giáo dục mở tại Việt Nam hiện nay như thế nào, mỗi diễn giả đều có một ý kiến riêng và đều cho rằng, thuật ngữ Giáo dục mở ở Việt Nam đã xuất hiện từ lâu và cũng đã xuất hiện nhiều trường Đại học mở. Tuy nhiên, việc hiểu đúng, hiểu đủ về thuật ngữ này thì chưa có mấy đơn vị nào làm được. Do đó vẫn còn gây ra nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm tài liệu mở và phát triển Tài nguyên Giáo dục mở tại Việt Nam. 

Khi được đề cập đến việc Thành Đô là đơn vị đầu tiên của Việt Nam tham gia Hiệp hội Khoa học mở của Mỹ, TS. Phạm Hiệp hy vọng sẽ có thêm nhiều đơn vị khác tham gia vào Hiệp hội này để có thể tiếp cận và có được những nguồn thông tin, dữ liệu mở phong phú khác phục vụ cho công tác nghiên cứu, dạy và học.

Những rào cản nào đang ảnh hưởng đến việc sử dụng và phát triển giáo dục mở tại Việt Nam là câu hỏi tiếp theo được đặt ra. Trả lời cho vấn đề này, Giáo sư Trần Trung đề cập đến 3 nguyên nhân chính:

  • Thứ nhất đó là vấn đề về ngưỡng bảo mật thông tin và pháp lý. Khi các tài liệu không được sử dụng đúng mục đích hay xuất hiện tràn lan thì sẽ làm mất giá trị ban đầu của nó.
  • Thứ hai đó là thủ tục và quy định về xuất bản phẩm có yếu tố nước ngoài ở Việt Nam còn nhiều chặt chẽ hơn so với các tài liệu, giáo trình ở trong nước.
  • Nguyên nhân thứ ba đó là khi các nhà xuất bản, các nhà sách gặp nhiều khó khăn trong việc xuất bản khi vấn đề in lậu, tài liệu photo xuất hiện ngày càng nhiều.
Recap su kien ra mat sach giao duc va khoa hoc mo 2
Giáo dục mở Việt Nam đang gặp nhiều thách thức

Giáo sư Trần Trung cũng chia sẻ thêm một thông tin quan trọng. Năm 2023, Thủ tướng đã có Quyết định 117 phê duyệt xây dựng các dữ liệu giáo dục mở, Kho dữ liệu Giáo dục mở cho giáo dục đại học. Cũng vào tháng 10/2023, Chính phủ chính thức công bố một cổng dữ liệu mở thuộc quyền sở hữu của Việt Nam giao cho Bộ Khoa học Công nghệ và Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý. Mọi người có thể truy cập vào https://openscience.vn/ để tìm hiểu thêm thông tin.

Và cuối cùng là giải thích ý nghĩa hình ảnh cá trung trăng bên ngoài bìa cuốn sách: Giáo dục và Khoa học mở.  Để có thể giải đáp đầy đủ lý do, TS. Phạm Hiệp đã mời tác giả Phan Thị Thanh Thảo giải thích câu hỏi này. PGS. Phan Thị Thanh Thảo chia sẻ rằng hình ảnh cá Koi đại diện cho tình yêu và cuốn sách này cũng vì tình yêu mà có. Sau đó TS. Phạm Hiệp đã bổ sung thêm thông tin về ý nghĩa đằng sau bìa sách. Hình ảnh cá Koi là một trong những hình ảnh truyền thống và gắn với lịch sử phát triển của nhà trường. Đồng thời, cá Koi còn là biểu tượng cho sự nỗ lực vươn lên giống như sự hội nhập của Việt Nam trong phong trào Giáo dục mở với thế giới.

Recap su kien ra mat sach giao duc va khoa hoc mo 3
Ý nghĩa hình ảnh cá trung trăng trên bìa cuốn sách “Giáo dục và Khoa học mở”

Tổng kết, sự kiện ra mắt sách Giáo dục và Khoa học mở đã mang đến những chia sẻ quý giá của tác giả và các diễn giả khách mời về giáo dục mở, tài nguyên giáo dục mở và thực trạng của các vấn đề đó tại Việt Nam. Qua đó giúp các giảng viên, sinh viên, Nhà nghiên cứu có cái nhìn sâu sắc và rõ nét hơn về OE, OER, OS và việc áp dụng chúng trong công tác giảng dạy và nghiên cứu.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *