“Học tập suốt đời – Vì sao?”
Báo cáo “Tương lai việc làm” (The Future of Jobs) năm 2020 của Diễn đàn Kinh tế thế giới đã đưa ra dự báo rằng, đến năm 2025, có khoảng 85 triệu việc làm sẽ bị tự động hoá và công nghệ thay thế, đồng thời khoảng 97 triệu việc làm mới sẽ được tạo ra.
Chúng ta đang sống trong một thế giới biến đổi không ngừng, theo cả nghĩa tích cực và tiêu cực, với đầy đủ những thách thức và cơ hội mà nó mang lại. Trong thế giới đó, chu kỳ bán rã kiến thức (half-life of knowledge – một khái niệm mô tả khoảng thời gian mà một nửa lượng kiến thức hiện hành bị thay thế) ngày càng được rút ngắn. Theo Robert N. Charette, vào năm 1920, một tấm bằng kĩ sư mất khoảng 35 năm để trở nên lỗi thời thì đến năm 1960, con số này chỉ còn là 10 năm.
Ngày nay, thậm chí, một nửa kiến thức chúng ta học được trên giảng đường có thể đã trở nên lỗi thời ngay tại thời điểm mà chúng ta cầm được tấm bằng tốt nghiệp đại học. Ở một số lĩnh vực như IT, chu kỳ bán rã kiến thức ngắn đến mức chóng mặt, chỉ từ 1-3 năm.
Có lẽ, chẳng cần đến những con số hay nghiên cứu xa xôi, tự chúng ta, trong sự vận động của cuộc sống hằng ngày cũng không ít lần giật mình nhận ra cháu mình, con mình – những đứa trẻ thế hệ gen Z, gen Alpha đang nói với nhau về một chủ đề lạ lẫm bằng một thứ ngôn ngữ như ở một thế giới khác mà chúng ta chưa hề biết đến!
Vài dòng tóm lược trên là một gợi ý cho câu hỏi “Học tập suốt đời – Vì sao?”
“Học tập suốt đời – Như thế nào?”
Còn đối với vế sau “Học tập suốt đời – Như thế nào?”, có lẽ cuốn “Tự học – kiến tạo một hành trình học tập suốt đời” của nhóm tác giả Duc Hoang là một gợi ý tốt.
Cuốn sách cung cấp một lượng kiến thức có thể nói là rất đầy đặn các lý thuyết và thực hành về học và tự học, theo một cách gần gũi, dễ hiểu và dễ áp dụng một cách bất ngờ. Tất cả các mô hình/ phương pháp như Ma trận Eisenhower, Pomodoro, phương pháp ghi chép Cornell, sơ đồ tư duy Mindmap, kĩ thuật đọc sách SQ3R… đều được giới thiệu kèm theo các ví dụ, bảng biểu, sơ đồ, hướng dẫn thực hành khiến những bạn trẻ còn ngồi trên ghế nhà trường hay một nhà chuyên môn đều nhận được những giá trị hữu ích.
Chúc mừng và cảm ơn Nhóm tác giả giúp người đọc “hệ thống hoá một vài chiêu (practices) và một vài thức (mindset)”, để hành trình học tập suốt đời trở nên bớt gian nan và nhiều niềm vui hơn.
Và quan trọng nhất, theo tôi, là để ai cũng có thể thấy rằng, à hoá ra học tập suốt đời chẳng phải là câu khẩu hiệu giáo điều, mình đã và đang thực hiện nó rồi, chỉ là, mình còn có thể thực hiện nó theo những cách hiệu quả và thú vị hơn mà thôi. Cái “Aha moment” ấy mới thật là tuyệt diệu làm sao!!!
Nguồn: Ms. Tống Liên Anh, Bộ Giáo dục và Đào tạo