Có nhiều hiện tượng xã hội có vẻ đối nghịch nhau khiến ta phải đặt ra câu hỏi về giá trị của tấm bằng đại học. Không ít người đồng tình rằng xã hội đang quá coi trọng bằng đại học trong khi nó không phản ánh thực lực của người học. Những bài báo về cử nhân ưu tú thất nghiệp, về các tỷ phú thừa nhận không tốt nghiệp đại học hay phát ngôn của hotgirl nọ “Bây giờ có thể mua được điểm cấp ba và đại học mà.” vẫn luôn thu hút dư luận. Tuy nhiên, một tấm bằng đại học đẹp vẫn đang được xem như tấm vé thông hành tới các học bổng, chương trình cao học hay việc làm tại các công ty trong và ngoài nước. Tại sao lại xảy ra sự mâu thuẫn này?
Niềm tin về bằng cấp bắt nguồn từ đâu và bằng cách nào mà nó đã đánh mất ý nghĩa?
Có thể tìm thấy lý do cho khoảng cách ngày càng lớn giữa bằng cấp và năng lực trong cuốn sách mới nhất của Tony Wagner [1].
Trong những buổi đầu lịch sử, khi con người còn ăn lông ở lỗ, các bậc cha mẹ người nguyên thủy đã học hỏi, thích nghi rồi truyền cho con cái kinh nghiệm để sinh tồn và phát triển. Đó là hình thức sơ khai nhất của giáo dục.
Khi nền văn minh tiến bộ hơn, xã hội hình thành thêm một nhóm thợ thủ công và người có tay nghề gồm: nông dân, thợ rèn, thợ giày, thợ may. Lúc bấy giờ, một hình thức giáo dục hiệu quả đã phát triển: mô hình học nghề. Tương tự như cha mẹ truyền thụ kinh nghiệm cho con cái, các bậc thầy nghệ nhân cũng ra sức truyền đạt những kỹ nghệ quan trọng cho học trò thông qua thực hành.
Đến khi xã hội phát triển từ việc di canh di cư theo bầy đàn sang cấu trúc phân cấp mang tính trật tự, tầng lớp tinh hoa thống trị đã nổi lên bên cạnh tầng lớp nghệ nhân. Họ không cần học nghề như thông thường mà vẫn được chìm đắm trong các ý tưởng và tinh hoa nghệ thuật qua các bài giảng của thầy cố vấn.
Dù là thợ học việc hay một người có dòng dõi quý tộc, danh tiếng của người thầy chính là bằng cấp mà người trò gặt hái được. Đổi lại, uy tín của người thầy phụ thuộc vào thành công của học trò. Trong hàng ngàn năm, những phương pháp giáo dục này vẫn phát huy tính hiệu quả nhưng có một hạn chế lớn: không thể nhân rộng để bắt kịp với sự gia tăng dân số theo cấp số nhân.
Để đáp ứng nhu cầu đào tạo với quy mô lớn, ý tưởng về phân chia cấp học, lớp học, môn học và quản lý giáo viên thay cho những người thầy cố vấn đã hình thành từ nước Phổ (họ cần đào tạo một lượng lớn binh sĩ để phục vụ chiến tranh). Sau đó mô hình này lan rộng khắp châu Âu nói chung và các nước phát triển nói riêng. Cũng chính vì đáp ứng được nhu cầu nhân công số lượng lớn cho những công việc mang tính lặp đi lặp lại, không đòi hỏi sự phức tạp như tác phẩm của các nghệ nhân, mô hình đào tạo này đã giúp nước Mỹ thống trị nền kinh tế thế giới trong khoảng 2 thế kỷ.
Thế kỷ XX trôi qua, nền kinh tế căn bản đã thay đổi. Những công việc tay chân ít yêu cầu trình độ dần dần được chuyển sang những nước đang và kém phát triển. Nhu cầu đối với nhân công trình độ tầm trung để quản lý và tinh chỉnh các hoạt động tăng dần. Đặc biệt đến thế kỷ XXI, thời kỳ Internet bùng nổ kéo theo sự thay đổi trong xã hội và thách thức hệ thống giáo dục. Giờ đây, thông tin trở nên dễ dàng truy cập và phổ biến như một món hàng miễn phí, việc ghi nhớ các thông tin cơ bản, mang tính lặp lại không còn là kỹ năng cần thiết. Bằng cấp từ những cơ sở đào tạo theo niềm tin và hệ thống cũ đã đánh mất giá trị.
Các trường đại học đang tuyên bố gì về giá trị tấm bằng của họ và phản ứng của các doanh nghiệp là gì?
Khoảng cuối năm 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành thông tư quy định các cơ sở giáo dục đại học phải công khai trên website của trường thông tin cam kết chất lượng giáo dục và chất lượng giáo dục thực tế cũng như điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục [2]. Có thể coi đây là một lời tuyên bố chính thức từ nhà trường về cam kết rằng bằng đại học của chúng tôi có giá trị và chúng tôi đã xây dựng kế hoạch để đảm bảo điều đó. Tuy nhiên các trường đại học trên cả nước chưa thể đồng loạt thực hiện theo thông tư này. Như vậy không chỉ gây khó khăn cho học sinh khi quyết định lựa chọn cơ sở đào tạo mà còn khiến các doanh nghiệp hoài nghi về chất lượng đào tạo của nhà trường.
Trong thực tế, các doanh nghiệp cả trong và ngoài nước đang dần chuyển đổi cơ chế tuyển dụng theo xu hướng coi trọng năng lực hơn bằng cấp, mà dẫn đầu là những doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ. Lấy Google là một ví dụ, giám đốc chương trình tài năng thuộc phòng nhân sự Google tại Singapore đã từng trả lời báo chí rằng “Không có sự tương quan nào giữa những nhân viên tốt nhất của Google với trường đại học họ theo học hoặc điểm trung bình tốt nghiệp!”[3] Hiện nay, họ quan tâm nhiều hơn đến khả năng học hỏi và giải quyết vấn đề của nhân viên trong quá trình làm việc cũng như phẩm chất cá nhân hơn là bằng cấp.
Hướng đi cho tương lai
Rõ ràng chúng ta đang đi tới một thời đại mà những biến chuyển ngày càng nhiều và mạnh. Vì vậy, những tấm bằng, vốn dĩ là chứng nhận cho một quá trình rèn luyện những kỹ năng và hiểu biết nhất định cho một công việc nhất định, sẽ mất giá nhanh hơn vì không ai có thể đảm bảo những kỹ năng, hiểu biết đó còn cần thiết trong tương lai.
Cũng vì lẽ đó, giáo dục đang chuyển mình. Đặc biệt trong thời gian gần đây, giáo dục theo triết lý Khai phóng nhận được rất nhiều sự quan tâm bởi khả năng hướng dẫn người học cách tư duy và học hỏi để có thể linh hoạt trong nhiều tình huống.
Đầu năm nay, Thông tư của Bộ giáo dục và Đào tạo quy định không phân biệt hình thức đào tạo gồm: chính quy, vừa làm vừa học, học từ xa, tự học có hướng dẫn bắt đầu có hiệu lực [4]. Đây là bước đi đầu cho thấy nền giáo dục nước ta đang dần hướng tới loại bỏ những xếp loại năng lực theo quy chuẩn cũ để hòa nhập với xu hướng giáo dục mới.