Trong những ngày qua, câu chuyện về bé Vân An 8 tuổi bị bạn gái của bố bạo hành đến tử vong khiến nhiều người đau lòng và phẫn nộ. Mũi giáo không chỉ hướng thẳng về phía người bố và cô vợ sắp cưới, rất nhiều người cảm thấy không thể hiểu nổi khi hàng xóm gia đình bé An nói rằng thường xuyên nghe tiếng la hét, khóc lóc trong thời gian dài nhưng không can thiệp quyết liệt hơn. Ban quản lý tòa nhà, dù đã được cư dân phản ánh nhiều lần, không thể tự giải quyết triệt để nhưng cũng không gọi cơ quan bảo vệ trẻ em hay công an khu vực. [1]
Đây không phải vụ bạo hành trẻ em đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam. Theo UNICEF, kỷ luật mang tính bạo lực vẫn còn phổ biến ở Việt Nam với 68,4% trẻ em trong độ tuổi từ 1-14 cho biết đã từng bị bạo hành bởi cha mẹ hoặc người chăm sóc trong gia đình. [2] Tức là cứ 5 trẻ thì có 3 trẻ chịu cảnh bạo hành. Vậy mà hiểu biết về quyền trẻ em, về các hoạt động mà bản thân có thể hỗ trợ, về các đường dây nóng hay các cơ quan đoàn thể có liên quan thì không nhiều người nắm rõ.
Thực ra những giá trị như yêu thương con người, khoan dung, đoàn kết, nếp sống văn hóa,… các nội dung về quyền và nghĩa vụ của công dân, hiến pháp, một số công ước,… đều đã nằm trong chương trình sách giáo khoa Giáo dục công dân của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ngay từ lớp 6, học sinh đã được dạy về “Công ước Liên hợp quốc về quyền trẻ em” hay “Quyền được pháp luật bảo hộ về tính mạng, thân thể, sức khỏe, danh dự và nhân phẩm.”
Tuy nhiên, nếu những bài học đưa ra bị bó hẹp trong khung lý thuyết hay những tình huống giả định không xuất phát từ thực tế cuộc sống của chính người đang học thì sẽ không được ghi nhớ trong dài hạn và không mang tính thực hành cao. Tất nhiên, những bài kiểm tra đánh giá theo đó cũng không phản ánh đúng về năng lực công dân thực sự của người học.
Các bài học ấy có thể đảm bảo được mục tiêu đầu ra là học sinh hiểu được về quyền của mình, thể hiện qua việc học sinh đã chọn đúng đáp án về nội dung các quyền, về các hành vi vi phạm quyền,… trong câu hỏi trắc nghiệm. Nhưng điều quan trọng hơn là liệu người học đã hiểu được cách ứng xử và thể hiện thái độ khi mình hay người khác bị xâm phạm về quyền hay chưa? Ví dụ như, trong vai hàng xóm của người gặp nạn, liệu người học có được dạy để biết rằng mình có thể làm gì? Liệu các tình huống được đưa ra đã có đầy đủ dữ kiện như một trường hợp có thực hay chỉ là một câu hỏi rất đỗi chung chung như “Hãy nêu 3 biểu hiện vi phạm quyền trẻ em mà em biết. Theo em, cần phải làm gì để hạn chế những biểu hiện đó?”. Và hơn thế, liệu những câu trả lời tự luận tình huống có thực sự có nghĩa, tức là nếu gặp hoàn cảnh tương tự thì hành động của người học sẽ tương đồng với câu trả lời?
Có rất nhiều trường hợp cho thấy con người sẽ không hoàn toàn hành động như những gì họ nói trong tình huống giả định vì rất nhiều lý do chủ quan và khách quan. Chẳng hạn, một học sinh trả lời rằng em sẽ bảo vệ môi trường vẫn có thể bỏ vỏ hộp sữa trong ngăn bàn hay trên nắp thùng rác vì như thế tiện và nhanh hơn. Một công dân trả lời muốn xã hội liêm chính, minh bạch vẫn có thể làm việc trong môi trường không liêm chính, minh bạch vì không được bảo vệ nếu lên tiếng, vì cơm áo gạo tiền. Trong trường hợp của em An, những người hàng xóm hay ban quản lý tòa nhà đều hiểu rằng cần phải báo cáo cho các cơ quan, cần can thiệp thích đáng với gia đình đứa bé nhưng họ đã không làm vậy vì rất nhiều rào cản văn hóa, tâm lý. Những người dùng mạng xã hội đang sục sôi bởi vụ việc sẽ dần dần lắng lại cảm xúc trong những ngày sắp tết này. Phần đông sẽ không có nhiều động thái thúc đẩy hay hỗ trợ những cơ quan, tổ chức xã hội bảo vệ trẻ em vì không hiểu cụ thể quá trình làm việc với cán bộ hay những hành động khác có thể giúp ích. Với một số giáo viên, họ có thể nói rằng mình cần phải bảo vệ học sinh của mình nếu các em bị bạo hành nhưng bản thân lại không có kỹ năng để phát hiện dấu hiệu bạo hành và cũng không tổ chức giờ học về bạo hành trẻ em vì quá mất thời gian, công sức.
Làm thế nào để giáo dục thực sự nâng cao năng lực công dân?
Chúng ta đã hiểu rằng việc ghi nhớ nội dung hay trả lời theo đúng lý thuyết chưa chắc đã mang lại nhiều lợi ích trong quá trình học tập và áp dụng vào đời sống. Thí nghiệm của Howard Gardner trong cuốn Trí khôn phi học đường đã cho thấy sinh viên từ các trường đại học hàng đầu – những người đã ghi nhớ hàng loạt định luật khoa học và toán học về lực hấp dẫn, chuyển động,… nhưng không thể giải thích ý nghĩa của chúng. Nghiêm trọng hơn là khi những sinh viên này đối diện với những hiện tượng có thể giải thích bằng các lý thuyết đó, họ đã không sử dụng đến chúng mà thay vào đó, quay về với cách giải thích giống như trẻ con. Điều tương tự cũng xảy ra ở các môn khoa học xã hội và nhân văn, khi sinh viên quay về với những tư duy thành kiến sai lầm. Nói cách khác, những học sinh đầy năng lực có thể lặp lại lý thuyết đã được ghi nhớ nhưng không thể áp dụng.
Theo những nhà tâm lý học phát triển và các nhà giáo dục, một trong những giải pháp là để người học có cơ hội kiến tạo kiến thức mới qua một quy trình chủ động hơn. Tony Wagner trong cuốn Bài học giáo dục từ nước Mỹ của ông đã chia sẻ rằng: “Trong quá trình giảng dạy của chính tôi với đối tượng là cả thanh thiếu niên lẫn người trưởng thành, tôi phát hiện ra rằng người học sẽ hiểu kỹ càng và sâu sắc về một vấn đề – chẳng hạn như nhu cầu cải cách trường học – nếu họ chủ động xem xét dữ liệu, thiết lập và tranh luận về các cách diễn giải khác nhau trước khi tôi đưa ra quan điểm của mình.”
Với môn học giáo dục công dân, giáo viên có thể tạo điều kiện và hướng dẫn các em tự xây dựng tình huống dựa trên những vấn đề chính các em gặp phải trong cuộc sống hàng ngày thay vì yêu cầu các em giải quyết một tình huống cho sẵn mà không có mấy tính liên quan. Các em có thể được phân vai trong các nhóm khác biệt về lợi ích (nhóm tổ chức xã hội, nhóm chính quyền địa phương, nhóm gia đình nạn nhân,…) khi giải quyết một vấn đề. Rất nhiều các câu hỏi đi sâu hơn vào tình huống có thể được đặt ra để thảo luận như: Những người gây tội ác có đáng được khoan dung không? Làm thế nào để khoan dung với họ? Có cần bảo vệ nhân phẩm của người có hành vi trái pháp luật? Liệu nạn nhân/thủ phạm có quyền không công khai danh tính?…
Quan trọng hơn là trước khi dạy cho học trò về những giá trị tốt đẹp, chính người giáo viên có lựa chọn làm điều đúng thay vì điều dễ nhưng không đúng hay không?
Nguồn tham khảo
[1] Vietnamnet: Lời kể ám ảnh của hàng xóm bé gái 8 tuổi bị dì ghẻ đánh đập tới chết https://vietnamnet.vn/…/loi-ke-am-anh-cua-hang-xom-be…
[2] UNICEF: Bảo vệ trẻ em khỏi bạo hành https://www.unicef.org/…/b%E1%BA%A3o-v%E1%BB%87-tr%E1…