Đánh giá bài viết này

Trong lịch sử loài người, phụ nữ đã và đang tham gia đóng góp trong nhiều lĩnh vực khác nhau, tiêu biểu nhất chính là giáo dục. Những người phụ nữ sau đây đã để lại nhiều ấn tượng mạnh mẽ với nền giáo dục thế giới.

Michelle Obama (1964)

Trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Barack Obama, Michelle Obama được nhiều người biết tới không chỉ với danh nghĩa Đệ nhất Phu nhân, mà còn bởi các hoạt động xã hội. Bà thường xuyên tham gia các hoạt động nhằm thúc đẩy giáo dục cho nữ giới, người da màu và công bằng trong giáo dục cho mọi người.

Sau khi rời Nhà Trắng, bà đã thực hiện chuyến công du năm ngày qua ba quốc gia để vận động cho quỹ “Let Girls Learn” – dự án nhằm thúc đẩy giáo dục cho các bé gái.

Malala Yousafzai (1997)

Năm 2009, cô gái 11 tuổi Malala trở thành cây bút cho BBC để chia sẻ về cuộc sống tại quê nhà của mình sau khi bị Taliban tiếp quản. Vào tháng 10/2012, Malala bị một tay súng tấn công với 3 viên đạn vào đầu. Sau khi hồi phục, cô gái trẻ tiếp tục lựa chọn đấu tranh chứ không hề bỏ cuộc.

Tại Anh, cô cùng cha mình thành lập Quỹ Malala với nhiệm vụ tạo ra một thế giới mà mọi cô gái trẻ đều có quyền kiểm soát tương lai của mình. Năm 22 tuổi, Malala Yousafzai trở thành biểu tượng toàn cầu cho giáo dục nữ giới. Cô cho biết: “Một đứa trẻ, một giáo viên, một quyển sách và một cây viết có thể thay đổi thế giới. Giáo dục là giải pháp duy nhất. Giáo dục luôn phải được đặt ưu tiên hàng đầu”. Năm 2014, cô trở thành người trẻ tuổi nhất từng đoạt giải Nobel Hòa bình.

5 guong mat phu nu noi tieng trong nganh giao duc tren the gioi

Savitribai Phule (1831 – 1897)

Savitribai Phule là nữ giáo viên đầu tiên của trường nữ sinh đầu tiên tại Ấn Độ. Bà đồng thời là người đặt nền móng cho thơ Marathi hiện đại. Trong thời kỳ đầu của Ấn Độ, nữ nhà giáo Savitribai đã đấu tranh mạnh mẽ chống chế độ chuyên chế và các tệ nạn xã hội.

Nhờ sự hỗ trợ của chồng, Savitribai Phule đã mở một trường học dành cho nữ sinh thuộc tầng lớp thấp kém trong thời điểm tầng lớp này bị xã hội Ấn Độ dè bỉu, xa lánh. Khi Savitribai Phule mở trường, nhiều người dân thường ném phân bò, đá, rau, trứng thối vào người bà. Tuy nhiên, vượt qua mọi khó khăn, Savitribai Phule cùng chồng đã tiếp tục mở thêm 5 trường học dành cho nữ sinh.

Bà đã được Chính phủ Anh vinh danh vì những đóng góp cho sự nghiệp giáo dục. Cho đến nay, giáo dục trẻ em gái tại Ấn Độ được tạo nên một phần nhờ hành động can đảm của Savitribai Phule.

Emma Willard (1787 – 1870)

Sinh ra trong gia đình thuần nông người Mỹ, Emma Willard là nhà hoạt động tích cực cho quyền của phụ nữ Mỹ và cống hiến cả đời cho sự nghiệp giáo dục. Ở tuổi 20, Emma Willard xin làm giáo viên cho một trường phổ thông và nhanh chóng trở thành Hiệu trưởng Học viện nữ sinh ở Vermont, Mỹ.

Năm 1819, bà chắp bút “Kế hoạch đề xuất cải thiện giáo dục nữ giới”. Đề xuất này sau đó được đánh giá cao bởi Chính phủ Mỹ và được công chúng nước này nhiệt liệt ủng hộ. Đây là tiền đề để Emma Willard tiếp tục cố gắng và tạo nên sự khác biệt trong sự nghiệp giáo dục.

Năm 1821, bà thành lập Chủng viện Nữ Troy, ngôi trường tiên phong giảng dạy khoa học, toán học và nghiên cứu xã hội cho trẻ em gái. Ngay khi mới thành lập, trường đã thu hút nữ sinh từ các gia đình giàu có ghi danh.

Đến nay, Chủng viện Nữ Troy, sau này đổi tên thành Trường Emma Willard, vẫn là một trong những trường có ảnh hưởng nhất tại Mỹ.

Clara Barton (1821 – 1912)

Clara Barton là nhà giáo dục đồng thời là người sáng lập Hội Chữ thập Đỏ Mỹ. Từ năm 15 tuổi, Clara Barton bắt đầu giảng dạy cho một ngôi trường địa phương. Sau vài năm, bà mở một trường học nhỏ ở bang Massachusetts. Mong muốn nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, Clara chuyển đến New York và theo học tại Học viện Tự do rồi giảng dạy cho một trường phổ thông tại bang New Jersey.

Tại ngôi trường mới, Clara đã thuyết phục cộng đồng và chính quyền địa phương miễn học phí cho những học sinh nơi đây. Thời điểm đó, trường học miễn phí là khái niệm vô cùng xa lạ tại Mỹ nhưng Clara đã làm được điều này, hỗ trợ cho gia đình của hơn 600 học sinh nhà trường.

Sau 18 năm giảng dạy, Clara từ chức và phục vụ cuộc nội chiến Mỹ trong vai trò y tá. Về sau, khi du lịch đến châu u và được nghe về Hội Chữ thập Đỏ quốc tế, Clara đã thuyết phục Tổng thống Mỹ Arthur phê chuẩn hiệp ước tại Thượng viện. Năm 1882, Hội Chữ thập Đỏ Mỹ chính thức được thành lập do Clara lãnh đạo.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *