Đánh giá bài viết này

Không chỉ trên thế giới mà chính ở Việt Nam chúng ta cũng có rất nhiều những gương mặt phụ nữ tiêu biểu có công với nền giáo dục của Việt Nam. Dưới đây IPER xin điểm mặt lại 5 phụ nữ nổi tiếng trong ngành giáo dục ở Việt Nam.

gdhasjh

NGƯT Đặng Thị Hường, cán bộ quản lý – cán bộ Công đoàn tiêu biểu

Nhà giáo Ưu tú Đặng Thị Hường, Phó Hiệu trưởng, Chủ tịch Công đoàn trường Phổ thông dân tộc nội trú Trung học phổ thông tỉnh, Phó Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục tỉnh Tuyên Quang là một tấm gương nhà giáo tiêu biểu về nỗ lực vượt khó, tâm huyết và trách nhiệm.

Mồ côi mẹ năm 13 tuổi, nhà nghèo, cô Hường sớm phải chịu những mất mát, thiệt thòi so với bạn bè cùng trang lứa. Là chị cả của 4 em trai nhỏ, cô phải vừa học, vừa làm để cùng cha lo cho cuộc sống và ăn học của 5 chị em. Bước chân vào đại học, cha mất. Khó khăn chồng chất khó khăn không cản được quyết tâm trở thành cô giáo dạy Văn mà cô ước mơ từ thuở nhỏ. Ra trường, vừa dạy học vừa làm thêm nghề may để nuôi con, nhưng cô vẫn say mê học tập, nghiên cứu. Sau những nỗ lực không mệt mỏi, năm 2015, cô trở thành Tiến sĩ Văn học đầu tiên là người dân tộc Cao Lan (Sán Chay), và năm 2017, cô vinh dự được đón nhận danh hiệu cao quý “Nhà giáo Ưu tú”.

Xuất thân từ gia cảnh nghèo khó, cô Hường luôn quan tâm chia sẻ, động viên giúp đỡ những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Hình ảnh, ý chí, nghị lực và việc làm của cô đã truyền cho các em học sinh dân tộc thiểu số lòng tự hào, tự tôn về văn hóa của dân tộc, cổ vũ tinh thần, động lực cho các em vượt khó vươn lên học tập, thực hiện ước mơ của mình.

Vừa làm Phó Hiệu trưởng, Chủ tịch Công đoàn trường, vừa giữ trọng trách Phó Chủ tịch Công đoàn Ngành Giáo dục tỉnh Tuyên Quang, dù phải tận dụng mọi thời gian, tâm sức để tập trung giải quyết công việc, song những tiết giảng trên lớp của cô vẫn tràn đầy nhiệt huyết và để lại ấn tượng sâu sắc trong các em học sinh. Sau hơn 33 năm công tác, cô đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và ngành Giáo dục và Đào tạo giao cho.

GS-TS Toán học đầu tiên của Việt Nam – Nhà giáo nhân dân Hoàng Xuân Sính

Hoàng Xuân Sính sinh ngày 8 tháng 9 năm 1933, bà là người làng Cót, Từ Liêm, Hà Nội (nay thuộc phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy)

Năm 1948, bà học hết cấp II. Thời đó trường Trung học của Hà Nội rất ít, chỉ có trường cấp II Nữ sinh Trưng Vương. Trường cấp III Chu Văn An dành cho nam sinh. Còn trường Lyceé Albert Sarraut chỉ con em người Pháp, hoặc con em giới chức cao cấp làm việc cho Pháp mới được học. Nếu muốn học cấp III phải vào trường Chu Văn An học chung đám con trai. Bây giờ nam nữ học chung là bình thường, nhưng cái thời “nam nữ thụ thụ bất thân”, việc học chung là chuyện rất khó khăn. Cuối cùng bà cũng vượt lên “hủ tục”, chấp nhận ghi danh học Chu Văn An.

Sau khi có bằng Tú tài 1 ở Hà Nội Ban Sinh ngữ tiếng Anh và tiếng Pháp, năm 1951 bà được cậu ruột là Nguyễn Văn Phúc đón sang Pháp học Đại học Toán, sau đó là Cao học để lấy bằng Thạc sĩ Toán. Với quyết tâm bền bỉ ôn luyện, cần cù học tập, làm theo lời cha dặn “Muốn xây dựng đất nước, giỏi môn Khoa học là thực sự cần thiết”, năm 26 tuổi, bà thi đỗ Thạc sĩ, đó là vinh dự không chỉ dành cho người Việt, mà còn cho cả Đại học Toulousse.

Bà tiếp tục theo đuổi sự nghiệp nghiên cứu khoa học để đến năm 1975, bà đã bảo vệ luận án tiến sĩ Toán trước hội đồng khoa học thế giới tại Pháp và trở thành nữ Giáo sư – Tiến sĩ Toán học đầu tiên của Việt Nam đồng thời cũng chính là người phụ nữ nước ngoài đầu tiên đến Paris bảo vệ thành công luận án tiến sĩ quốc gia về toán học.
Hoàn thành luận án tiến sĩ của mình, nhưng bà không ở lại nước ngoài làm việc mà chọn con đường trở về nguồn cội để mong muốn được đóng góp tài năng trí tuệ của mình cho xã hội, cho đất nước Việt Nam. Về nước, bà tham gia giảng dạy môn Toán tại Đại học Sư phạm Hà Nội và biên soạn nhiều sách giáo khoa phổ thông, giáo trình đại học.

Lễ nghi nữ học sĩ Nguyễn Thị Lộ

Theo sách Những người thầy trong lịch sử Việt Nam, Lễ nghi nữ học sĩ Nguyễn Thị Lộ chính là vị nữ quan đầu tiên của chế độ phong kiến Việt Nam. Bà cũng được cho là nữ nhà giáo đầu tiên dạy học trong cung đình.

Sinh ra tại huyện Hưng Hà (tỉnh Thái Bình ngày nay), vốn thông minh từ nhỏ, hơn 10 tuổi bà đã thuộc hết sách Tứ Thư, Ngũ Kinh, thông hiểu y dược, âm luật, lịch số, các môn đều thấu hiểu đến uyên bác. Mới 15 tuổi, bà đã nổi tiếng khắp phủ Tân Hưng.

Chính nhờ tri thức vượt tầm so với những người phụ nữ lúc bấy giờ tạo nên mối cơ duyên giữa bà với Nguyễn Trãi – bậc khai quốc công thần của nhà Lê. Trong cuộc kháng chiến chống quân Minh, bà nhiều lần thay Nguyễn Trãi soạn thảo một số công văn, thư từ, thậm chí còn viết thư chiêu hàng tướng giặc.

Sau khi nhà Lê thành lập, bà được vua Lê Thái Tông phong làm Lễ nghi học sĩ, chịu trách nhiệm dạy các cung tần, mĩ nữ những lễ nghi, phép tắc của triều đình.

Nữ tiến sĩ Nguyễn Thị Duệ

Nguyễn Thị Duệ (1573-1654) là nữ tiến sĩ đầu tiên trong lịch sử khoa bảng nước nhà. Sau này, cảm phục tài năng, học vấn của bà, vua Mạc và chúa Trịnh đã sử dụng bà trong vai trò nhà giáo để dạy học chốn hoàng cung.

Sinh ra trong gia đình hiếu học ở xã Kiệt Đặc, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương, ngay từ nhỏ, Nguyễn Thị Duệ đã bộc lộ tư chất hơn người.
Theo quy định thời đó, thi cử học hành chỉ dành cho nam. Thế nhưng, vì đức hiếu học, bà đã cải trang thành nam để được đi thi và đỗ đầu kỳ thi Hội do nhà Mạc tổ chức ở Cao Bằng.

Ngày vua Mạc tổ chức đãi yến tiệc chúc mừng các tân khoa, nghi ngờ sĩ tử đỗ đầu có dáng dấp mảnh khảnh, yểu điệu thục nữ, vua tra hỏi. Không giấu được thân phận, bà đã thú thật với triều đình.

Tội của bà đáng ra phải bị phạt nặng, nhưng vì mến mộ tài năng của người con gái bé nhỏ ấy, vua Mạc chẳng những không trách tội mà còn phong cho bà làm Tinh Phi, đặt hiệu là Sao Sa.
Sau khi nhà Mạc sụp đổ, bà bị quân nhà Trịnh bắt, nhưng chúa Trịnh rất quý mến và trọng dụng. Khi Trịnh Tạc lên ngôi, đã cho tìm nữ học sĩ để dạy cung nhân, các quan trong triều đều tiến cử bà.

Không chỉ dừng lại ở việc dạy học, tại khoa thi năm 1631, đời vua Lê Thần Tông, bà còn tham gia làm giám khảo kỳ thi tiến sĩ.

Bà là người luôn khuyến khích người sau học tập. Mỗi tháng hai kỳ, sai người làm cỗ, họp sĩ tử tư văn hàng huyện lại, cho tập làm văn. Đề bài do bà ra, rồi sai người từ kinh đô mang về. Bài làm xong giao cho hội viên hội tư văn niêm phong lại rồi nộp cho bà.

Nữ nhà giáo nổi tiếng đất Thăng Long

Bà huyện Thanh Quan tên thật là Nguyễn Thị Hinh quê ở Nghi Tàm, Hà Nội. Chồng của bà là Lưu Nguyên Ôn, cũng người Hà Nội, làm tri huyện Thanh Quan nên người ta thường gọi bà là bà huyện Thanh Quan.

Sinh thời, Bà huyện Thanh Quan không chỉ là người văn hay chữ tốt, có thể tự thay chồng thăng đường xử án, mà còn là nhà giáo nức tiếng đương thời. Mến môn tài năng của bà, vua Tự Đức triệu bà vào cung để dạy cho các công chúa và cung phi với chức Cung trung giáo tập.

Đến kinh thành, bà được bố trí làm việc ở Viện Đoan Trang với chức Cung trung giáo tập dạy văn chương, lễ nghi, phép tắc cho các công chúa và cung nữ. Tại đây, các quan lại trong triều thường gọi bà với cái tên Lưu phu nhân.

Học trò thực sự của bà là những nữ tỳ, cung nữ. Họ gồm nhiều lứa tuổi khác nhau nhưng đều rất tôn kính bà và thường tìm đến với bà để gửi gắm niềm tâm sự. Nói cách khác bà vừa là nhà giáo, vừa là người mẹ hiền.

Content by Nguyễn Thị Hải Yến

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *