Chủ đề “Văn hoá – đa văn hoá – xuyên văn hoá – liên văn hoá có vai trò gì trong kinh doanh?” vẫn đang rất được quan tâm và được giảng dạy, nghiên cứu nhiều hơn ở Việt Nam. PGS.TS Nguyễn Hoàng Ánh, nguyên giảng viên Đại học Ngoại thương đã có những chia sẻ thú vị về vấn đề này như sau. Mời độc giả cùng theo dõi.
1. Văn hoá – Đa văn hoá – Xuyên văn hoá – Liên văn hoá
Trước hết, ta phải hiểu quan niệm về văn hoá của VN và thế giới có nhiều khác nhau, cách tiếp cận của các nhà nghiên cứu văn hoá dân tộc cũng rất khác.
Văn hóa (tiếng Anh, tiếng Pháp đều là culture, tiếng Italia, Tây Ban Nha là cultura…), đều bắt nguồn từ chữ Latinh “cultus” mà nghĩa gốc là trồng trọt, nhưng thường được dùng theo hai nghĩa là “trồng trọt ngoài đồng” (cultus agri) và “trồng trọt tinh thần” (cultus animi). Ở cách hiểu thứ hai, nó đồng nghĩa với “sự giáo dục, bồi dưỡng tâm hồn con người”.
Quan niệm về văn hoá tại Việt Nam
Theo Đại từ điển Tiếng Việt – Trung tâm Ngôn ngữ và Văn hóa Việt Nam, Bộ GD-ĐT, NXB Văn hóa Thông tin – 1999 [tr. 1796] thì văn hóa là:
(1) Những giá trị vật chất, tinh thần do con người tạo ra trong lịch sử: nền văn hóa các dân tộc; kho tàng văn hóa dân tộc.
(2) Đời sống tinh thần của con người: phát triển kinh tế và văn hóa; chú ý đời sống văn hóa của nhân dân.
(3) Tri thức khoa học, trình độ học vấn: trình độ văn hóa; học các môn văn hóa.
(4) Lối sống, cách ứng xử có trình độ cao: người có văn hóa; gia đình văn hóa mới.
(5) Nền văn hóa một thời kì lịch sử cổ xưa, xác định được nhờ tổng thể các di vật tìm được có những đặc điểm chung: văn hóa Đông Sơn; văn hóa rìu hai vai.
Quan niệm về văn hoá trên thế giới
Trong khi đó, theo từ điển Collins năm 2021 thì Culture (văn hoá, theo nghĩa danh từ) có thể là:
(1) Tổng số ý tưởng, niềm tin, giá trị và kiến thức được kế thừa, tạo thành cơ sở chung của hành động xã hội
(2) Tổng số các hoạt động và ý tưởng của một nhóm người có truyền thống chung, được các thành viên của nhóm truyền tải và củng cố, (Ví dụ: văn hóa Maya)
(3) Một nền văn minh cụ thể tại một thời kỳ cụ thể
(4) Các theo đuổi, biểu hiện và thị hiếu nghệ thuật và xã hội được xã hội hoặc giai cấp coi trọng, như trong nghệ thuật, cách cư xử, cách ăn mặc, v.v.
(5) Sự khai sáng hoặc tinh luyện do những theo đuổi này
(6) Thái độ, cảm xúc, giá trị và hành vi đặc trưng và thông báo cho xã hội nói chung hoặc bất kỳ nhóm xã hội nào trong đó
(7) Ươm trồng, đặc biệt là bằng các phương pháp khoa học được thiết kế để cải thiện nguồn dự trữ hoặc sản xuất những cây mới
(8) Nuôi và nhân giống động vật, đặc biệt là nhằm cải thiện giống
(9) Hành động hoặc thực hành xới đất hoặc xới đất
(10) Sinh học
a. Sự phát triển thực nghiệm của vi sinh vật, chẳng hạn như vi khuẩn và nấm, trong chất dinh dưỡng (môi trường nuôi cấy), thường trong các điều kiện được kiểm soát. Xem thêm môi trường nuôi cấy
b. Một nhóm vi sinh vật được phát triển theo cách này
Những kết luận về Văn hoá – Đa văn hoá – Xuyên văn hoá – Liên văn hoá
Các ngôn ngữ châu Âu khác cũng có cách hiểu khá tương đồng vì đều bắt nguồn từ tiếng Latin.
- Nghĩa 1, 2 của Việt Nam tương đương với nghĩa 1, 2 của tiếng Anh,
- Nghĩa 3 của Việt Nam thì phương Tây không có,
- Nghĩa 4 của tiếng Việt khá tương đồng với nghĩa 4 + 5 của phương Tây, nghĩa 5 của tiếng Việt gần với nghĩa 3 của phương Tây,
- Nghĩa 6 của phương Tây tương đương với nghĩa 2 của Việt Nam.
- Còn nghĩa 7-8-9-10 của phương Tây thì tiếng Việt không có. Như vậy ta có thể thấy nghĩa từ Văn Hoá của Phương Tây rộng hơn của Việt Nam nhiều.
Theo ông Đào Duy Anh thì “Văn hoá bao gồm tất thảy những sinh hoạt vật chất, sinh hoạt tinh thần và sinh hoạt xã hội, nhưng chỉ tính những sinh hoạt có tính cần lao và sáng tạo”.
Theo TS Trần Ngọc Thêm thì “Văn hóa là một hệ thống hữu cơ các giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo và tích lũy qua quá trình hoạt động thực tiễn, trong sự tương tác giữa con người với môi trường tự nhiên và xã hội của mình”.
Các khái niệm này đều cho thấy sự đa dạng của văn hoá, bao gồm cả các giá trị vật chất và tinh thần để phục vụ cho sự sống còn của con người. Tuy nhiên nó lại thiếu tính cụ thể và không cho thấy rõ các thành tố của văn hoá hay không giúp ta so sánh được các nền văn hoá với nhau, nói cách khác là rất khó áp dụng vào các khảo sát thực tiễn.
Về mặt này khái niệm văn hoá của các nhà văn hoá phương Tây nhìn vấn đề rõ ràng hơn. Theo Hofstede, nhà tiên phong nghiên cứu về văn hoá trong quản trị thì “văn hoá là sự lập trình tập thể của tinh thần nhằm phân biệt các thành viên của một nhóm hoặc loại người với những người khác“. Theo cách nhìn đó, ông phân tích văn hoá của các quốc gia theo 6 chiều cạnh:
1. Khoảng cách quyền lực: miêu tả cách một xã hội ứng xử với sự bất bình đẳng về quyền lực giữa người với người trong xã hội.
2. Chủ nghĩa cá nhân/chủ nghĩa tập thể: tập trung vào các câu hỏi về việc mọi người muốn có một mạng lưới kết nối chặt chẽ với người khác; hay thích độc lập, ít kết nối và ít chia sẻ với người khác ngoại trừ một số ít bạn thân và gia đình.
3. Nam tính/Nữ tính: nam tính đại diện cho việc xã hội ưu tiên thành tích, chủ nghĩa anh hùng, sự quyết đoán và phần thưởng vật chất cho thành công. Ngược lại, nữ tính tượng trưng cho sự hợp tác, khiêm tốn, chăm sóc cho những người yếu đuối và chất lượng cuộc sống.
4. Tránh sự không chắc chắn: thể hiện mức độ mà thành viên trong một xã hội cảm thấy không thoải mái với sự mơ hồ và không chắc chắn.
5. Định hướng dài hạn/ngắn hạn: Các giá trị liên quan đến định hướng dài hạn là tiết kiệm và kiên trì; các giá trị liên quan đến định hướng ngắn hạn là tôn trọng truyền thống, thực hiện các nghĩa vụ xã hội và bảo vệ thể diện của cá nhân.
6. Chiều chuộng hay kiềm chế: Chỉ số Chiều chuộng thể hiện một xã hội cho phép cá nhân tự do thỏa mãn những động lực cơ bản và tự nhiên của con người để tận hưởng cuộc sống và vui vẻ. Kiềm chế là thể hiện việc xã hội ngăn chặn sự thỏa mãn các nhu cầu cá nhân và điều chỉnh nó bằng các chuẩn mực xã hội nghiêm ngặt.
Lý thuyết này đã trở thành cẩm nang gối đầu giường của tất cả các nhà quản trị nhưng nó cũng có rất nhiều hạn chế, như chưa tính đến những ảnh hưởng của toàn cầu hóa và bối cảnh vì với các tình huống và địa điểm khác nhau, mọi người sẽ phản ứng khác nhau. Cuốn sách của Nguyễn Phương Mai có thể được coi là một nỗ lực để giải quyết những hạn chế đó.
2. Quản trị liên văn hoá – Cách tiếp cận mới trong nghiên cứu phát triển văn hoá
Văn hoá là một quá trình giao tiếp và thoả hiệp giữa người với người, các cá nhân vừa là sản phẩm văn hoá vừa là người kiến tạo văn hoá
Ngoài các kiến thức về xã hội học, tác giả còn sử dụng thêm các kiến thức của ngành sinh học tiến hoá và khoa học thần kinh văn hoá để nhận ra văn hoá không chỉ chịu tác động của xã hội mà còn được di truyền, để con người có cùng gien do tác động của hoàn cảnh, có thể có những hành vi hoàn toàn khác nhau. Khác với các tác giả đi trước, coi văn hoá quốc gia là đơn vị của văn hoá, Phương Mai cho rằng có ít nhất 4 cấp độ văn hoá tập thể: Toàn cầu – Quốc gia – Tổ chức và Nhóm. Theo tác giả Phương Mai, văn hoá là một quá trình giao tiếp và thoả hiệp giữa người với người, các cá nhân vừa là sản phẩm văn hoá vừa là người kiến tạo văn hoá. Vì vậy, văn hoá không phải là những giá trị bất biến mà con người buộc phải chấp nhận mà hoàn toàn có thể tác động để thay đổi nó. Trong thời buổi Toàn cầu hoá, Phương Mai cho rằng các doanh nghiệp không chỉ phải có “Tư duy Toàn cầu – Hành động cục bộ” mà phải phát triển thành “Tư duy Toàn cầu – Kế hoạch cục bộ – Hành động cá nhân”.
Quản trị liên văn hoá và vai trò trong kinh doanh
Cuốn sách 630 trang gồm 14 chương chính. 4 chương đầu gồm Toàn cầu hoá, Động lực dẫn đến đa dạng văn hoá, Cây văn hoá và Sự năng động của văn hoá. Tác giả giải thích những ý tưởng và lý thuyết chính về có liên quan đến chủ đề. Theo tác giả “Nếu ta truy về nguồn gốc sinh học với câu hỏi văn hóa sinh ra với mục đích gì, thì định nghĩa văn hóa sẽ luôn quay trở lại chủ đề chiến lược sinh tồn thông qua khả năng học hỏi từ môi trường xã hội xung quanh (social learning). Vì lí do đó, văn hóa được định nghĩa là “một hệ thống các yếu tố nhân tạo liên tục được tiến hóa nhằm làm tăng khả năng sống sót của con người, và do đó được chia sẻ giữa những cá nhân có thể giao tiếp với nhau”.
Liên văn hoá (Cross Culture) là việc so sánh giữa các nền văn hoá khác nhau, điều mà các tác giả như Hall, Hofstede, Trompenaar… đã làm. Đa văn hoá (Multicultural) chỉ việc trong một cộng đồng có thể có nhiều nền văn hoá khác nhau và trong thời buổi toàn cầu hoá, tư duy đa văn hoá là chìa khoá thành công cho các nhà quản trị.
Chương 5 và 6 nói về sự khác biệt trong văn hoá, chương 7, 8 và 9 là về Quản trị những yếu tố được coi là thử thách trong đa văn hoá là Quản trị Sự Thay đổi, Quản trị Thiên kiến và Quản trị sự đa dạng.
Chương 10 tiếp tục chủ đề ấy, nghiên cứu về Động lực thúc đẩy trong môi trường liên văn hoá (cross cultural), chương 11-14 là những kỹ năng làm việc trong môi trường liên văn hoá như Kỹ năng lãnh đạo, giao tiếp liên văn hoá, Đàm phán liên văn hoá, và Marketing trong môi trường liên văn hoá.
Trong những chương này, bên cạnh những lý thuyết chung, tác giả đưa ra rất nhiều ví dụ sinh động để giúp các nhà kinh doanh, nhà quản lý có thể học hỏi và áp dụng. Hai chương cuối cho các trường hợp thảo luận và bài tập thực hành giải quyết vấn đề sẽ rất bổ ích cho các nhà nghiên cứu và giảng viên, sinh viên trong các trường Đại học.
Đọc các case study thấy rất thú vị vì có những điều xảy ra ngay quanh ta mà ta không ý thức được. Ví dụ các công ty có tư duy đa văn hoá không được dùng cụm từ “Chinese New Year” để chỉ Tết Nguyên đán vì nó sẽ là “áp đặt văn hoá” cho những quốc gia cũng ăn Tết Nguyên đán ngoài Trung Quốc. Hoặc mình đã từng phải tranh cãi khi tham gia nhóm nghiên cứu đa văn hoá khi ghi tên trên bài cho tạp chí quốc tế. Bà trưởng nhóm (người Mỹ gốc Hàn) không đồng ý với cách để tên “Nguyen Hoang Anh” của mình, mà bắt mình phải đổi theo phương Tây, họ phải để cuối cùng. Nhưng mình nhất quyết không đồng ý vì như vậy sẽ thành nhiều versions kiểu “Hoang Anh Nguyen” hay “Anh Hoang Nguyen”, đến chính mình cũng không nhận ra. Mình bảo: “Đây là tên tôi, viết như thế nào là văn hoá của nước tôi và tôi muốn giữ văn hoá của mình, vì sao tôi phải theo văn hoá nước khác”? Cuối cùng chúng mình thoả thuận để tên như cũ, chỉ là viết hoa toàn bộ chữ NGUYEN để phân biệt, dù điều ấy vẫn rất ngớ ngẩn vì Dr. NGUYEN là ai ấy nhỉ? Việt Nam gọi nhau bằng tên mà!
Bạn thích được gọi tên kiểu gì khi ra nước ngoài???
Độc giả có thể tìm đọc cuốn “Quản trị liên văn hoá” tại đây.
Nguồn: Độc giả có thể tham khảo bài viết gốc của PGS.TS Nguyễn Hoàng Ánh tại đây.