Đọc sách mỗi ngày là thói quen hữu ích nên duy trì hằng ngày nhưng không phải ai cũng có thể duy trì đều đặn được. Có thể là vì lười biếng, vì không có thời gian hoặc không hứng thú với nội dung sách… Vậy có cách nào để giúp đọc sách có hiệu quả hơn không? Trong bài viết này IPER sẽ bật mí cho bạn 7 gạch đầu dòng giúp việc đọc của bạn hiệu quả hơn nhé!
Xác định rõ mục đích đọc sách
Mục đích của việc đọc sách chính là nâng cao nhận thức, trau dồi kiến thức cũng như sự hiểu biết của bản thân về một vấn đề nào đó trong đời sống xã hội. Ngoài ra, đọc sách cũng có thể là cách giải trí, giết thời gian nếu lựa chọn đúng thể loại sách mà mình yêu thích. Việc xác định rõ mục đích đọc sách sẽ giúp bạn dễ dàng tìm kiếm được thể loại sách phù hợp với bản thân, biết rõ vấn đề cần tìm hiểu. Từ đó, bạn không phải mất quá nhiều thời gian vào các cuốn sách có chủ đề lan man, không cần thiết.
Lựa chọn sách đọc phù hợp
Lựa chọn một quyển sách phù hợp với công việc, sở thích, tính cách… sẽ giúp cho việc đọc sách của bạn đạt hiệu quả cao hơn. Vì khi tiếp xúc với những gì liên quan đến vấn đề bản thân đang quan tâm, chúng ta sẽ tò mò và chú tâm nhiều hơn đến nội dung cuốn sách. Từ đó, giúp bạn tập trung khi đọc sách và không cảm thấy chán nản trong quá trình đọc. Do vậy, khi chọn sách bạn không nên chỉ dựa vào những lời giới thiệu của người khác hoặc quá phụ thuộc vào tiêu đề cuốn sách. Thay vào đó hãy cố gắng đọc lướt qua lời mở đầu hay phần mục lục để nắm được nội dung chính của sách, nhằm xác định được cuốn sách đó có phù hợp với mình không.
Rèn luyện kỹ năng tập trung khi đọc sách
Rèn luyện kỹ năng tập trung không chỉ là một cách đọc sách hiệu quả, mà còn rất cần thiết trong những hoạt động khác. Những chi tiết như các hình ảnh minh họa, từng câu chữ trong cuốn sách hay những chuyện xảy ra xung quanh đều có thể khiến bạn bị mất tập trung. Hãy cố gắng quên đi mọi thứ xung quanh và chỉ dành sự chú ý cho cuốn sách bạn đang đọc. Điều này sẽ giúp bạn tiếp thu các kiến thức nhanh chóng, cũng như ghi nhớ lâu hơn.
Rèn luyện kỹ thuật đọc sách
Cách đọc sách hiệu quả nhất mà bạn không nên bỏ qua chính là rèn luyện cho mình kỹ thuật đọc sách. Bạn có thể tham khảo các nguyên tắc sau đây để cải thiện kỹ thuật đọc sách của bản thân:
- Nên đọc bằng mắt, không nên đọc bằng miệng.
- Không nên đọc đi đọc lại 1 nội dung quá nhiều lần.
- Điều chỉnh tốc độ đọc phù hợp với từng nội dung. Nội dung nào quan trọng, bạn cần đọc chậm và phân tích, suy ngẫm. Còn với các nội dung không quan trọng, bạn có thể đọc lướt qua.
- Cố gắng hiểu sâu được ý nghĩa của toàn đoạn văn, không nên quá để ý đến từng câu, từng từ.
- Tập thói quen đọc nhanh và tóm tắt được nội dung cốt lõi, chủ yếu của cuốn sách.
Chọn môi trường và thời gian đọc hiệu quả
Để đảm bảo đọc sách hiệu quả, hiểu sâu và nhớ lâu, bạn cần có sự sắp xếp hợp lí về cả không gian và thời gian. Bạn nên đọc sách ở những nơi yên tĩnh, có đủ ánh sáng, không gian thoáng mát và rộng rãi. Không nên đọc sách ở những nơi quá ồn ào, nơi quá tối vì có thể ảnh hưởng đến khả năng tập trung và thị giác. Bên cạnh đó, việc phân bổ thời gian đọc sách cũng rất quan trọng. Bạn nên hình thành cho mình thói quen đọc sách mỗi ngày, thời gian thích hợp là buổi sáng sớm hoặc chiều tối, đọc sách trong khoảng thời gian này giúp não bộ tập trung và ghi nhớ tốt hơn.
Giữ tư duy tích cực khi đọc
Nếu chỉ đọc sách qua loa mà không tư duy thì chỉ tốn thời gian vô bổ. Để đọc sách hiệu quả, chúng ta nên kết hợp tư duy tích cực, nghĩa là khi đọc cần phải hình dung, liên tưởng sự việc, hiện tượng đang đọc với sự việc, hiện tượng bên ngoài. Từ đó chiêm nghiệm được những gì cần thiết, những gì không cần thiết, cái nào quan trọng cái nào không quan trọng… Trên cơ sở đó, bạn sẽ nhận thức được nhiều cái hay, cái mới, đúc kết được nhiều kinh nghiệm thiết thực cho bản thân. Do đó, khi đọc sách bạn nên tránh việc đọc thụ động, lười suy nghĩ, lười ghi chép, mà hãy tư duy không ngừng theo chiều hướng tích cực.
Dành thời gian suy nghĩ về những gì đã đọc được
Một cách hay giúp bạn đọc sách hiệu quả, nhớ lâu chính là hãy dành thời gian suy nghĩ về những gì mình đã đọc được từ quyển sách ấy. Trong quá trình đọc, hãy cố gắng chú tâm đến nội dung, đừng suy nghĩ quá lan man xa rời sách. Bạn có thể ghi chép lại những câu văn ý nghĩa, hoặc bất cứ thứ gì khiến bạn thích thú và đọng lại trong đầu. Sau khi đọc hết quyển sách hoặc 1 chương, 1 phần của sách, bạn nên dành thời gian suy nghĩ về những gì đã đọc được. Việc này sẽ giúp bạn có thể ghi nhớ chúng và áp dụng vào thực tế, cuộc sống.
Như đã nói, để bản thân thực sự chú tâm vào đọc sách, việc chọn được một quyển sách phù hợp và nắm bắt đúng tâm lý bản thân là điều rất quan trọng.
Content by Nguyễn Thị Hải Yến